Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Thay đổi cách nhìn về sản xuất xi măng

(SGTT) - Sản xuất xi măng từng được nhắc đến như là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường, nhưng với quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) đã mang đến một cách nhìn khác. Đó là, ngành sản xuất đang góp phần giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp, phế thải của nhiều ngành sản xuất khác giúp môi trường xanh sạch hơn.

Khuôn viên nhà máy Vicem Hà Tiên - Vicem Hà Tiên không chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ sản xuất sạch mà còn tạo môi trường làm việc "xanh" cho nhân viên.

Những ngày cuối cùng của năm 2019, tại văn phòng chính của công ty tại TPHCM, Sài Gòn Tiếp Thị đã có buổi trò chuyện thú vị với ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên), về quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, cũng như các chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối để Vicem Hà Tiên giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành sản suất xi măng.

Ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên).

Sài Gòn Tiếp Thị: Trước hết, xin bắt đầu bằng việc thay thế nhiên liệu tự nhiên trong sản xuất clinker và xi măng. Sau khi đã tận dụng được những nhiên liệu như củi trấu, vỏ hạt điều... để thay thế một phần điện, than và dầu DO, trong thời gian tới Vicem Hà Tiên sẽ tính đến những nguồn nhiên liệu thay thế nào?

Ông Lưu Đình Cường: Chúng tôi đầu tư rất nhiều cho quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, thân thiện với môi trường và có thể nói là đơn vị đi đầu trong các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và clinker.

Chẳng hạn, từ năm 2013, thay vì dùng dầu HFO để sấy các nguyên liệu, Trạm nghiền Phú Hữu (TPHCM) đã dùng củi trấu để thay thế. Chúng tôi cũng đang sử dụng vải vụn, đế giày từ các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM để đưa vào lò nung tại Bình Phước nhằm thay thế một phần năng lượng than.

Với vỏ hạt điều, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đưa vào thay thế một phần nhiên liệu than trong nung luyện clinker tại nhà máy Bình Phước từ năm 2015. Điều này góp phần rất lớn cho việc bảo vệ môi trường vì tỉnh Bình Phước nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung là vùng đất trồng cây điều, sau khi thu hoạch nhân, số lượng vỏ hạt điều bỏ đi rất lớn, nếu không sử dụng mà bỏ ra môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đất và nguồn nước.

Thêm vào đó, với sự chỉ đạo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, chúng tôi đang nghiên cứu việc đốt rác thải sinh hoạt trong hệ thống lò nung. Dự kiến, bước đầu chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị thu gom rác để phân loại rác, lấy những loại có nhiệt trị như bao ni lông, bìa carton, cao su đưa về đốt ở hệ thống lò tại Kiên Lương và Bình Phước. Bước tiếp theo, Tổng Công ty xi măng Việt Nam sẽ triển khai hội thảo nghiên cứu khoa học nhằm tìm cách đưa rác chưa qua phân loại vào đốt trong các hệ thống lò nung của nhà máy sản xuất clinker. Làm được việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề lớn về rác thải cho nhiều tỉnh, thành.

Còn việc tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi từ các ngành sản xuất khác thì sao, thưa ông? Tôi được biết là Vicem Hà Tiên còn tính đến việc dùng bùn thải từ nạo vét kênh rạch để sản xuất clinker?

- Ở mảng này chúng tôi cũng làm khá nhiều, trong đó có việc sử dụng tối đa tro, xỉ lò cao trong sản xuất xi măng để góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng tro của các nhà máy nhiệt điện và xỉ đáy của các nhà máy sản xuất gang thép.

Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch dùng bùn thải từ các nhà máy nước và bùn nạo từ nạo vét kênh rạch làm nguyên liệu trong sản xuất clinker. Dùng loại bùn thải này vào sản xuất clinker sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác đất sét tự nhiên là nguồn nguyên liệu không tái tạo và xử lý triệt để số lượng bùn thải sau sản xuất nước, nạo vét kênh rạch của các tỉnh và thành phố.

Những năm gần đây, cạnh tranh trên thị trường xi măng khá gay gắt, giá các nguyên liệu đầu vào biến động khá nhiều nhưng giá thành sản phẩm của Vicem Hà Tiên vẫn giữ ổn định, năng lực cạnh tranh gia tăng có phải là nhờ vào việc thay thế nhiên, nguyên liệu tự nhiên không?

- Có thể nói, nhờ việc thay thế này cho dù giá than, giá điện, giá nhân công tăng, làm chi phí sản xuất tăng nhưng chúng tôi vẫn giữ, thậm chí hạ giá thành sản phẩm.

Chẳng hạn, việc dùng củi trấu thay thế dầu HFO để sấy nguyên liệu chẳng những giúp giảm chi phí khoảng 30-40% so với dùng dầu mà còn giúp chúng tôi tránh được sự phụ thuộc vào thị trường dầu thế giới, tránh được những khó khăn khi thị trường biến động, giá cao. Dùng vỏ hạt điều thay thế cho than trong nung luyện clinker ở Nhà máy Bình Phước giúp giảm giá thành vì giá nguồn nhiên liệu này thấp hơn giá than cỡ 30%.

Với nhiên liệu than, tuy chưa thay thế được hoàn toàn nhưng đã có sự thay đổi rất lớn. Trong đó, dự kiến đến quý 1-2020, việc đốt vải vụn, đế giày sẽ giúp Nhà máy Bình Phước thay thế được 30% tổng nhiệt đang dùng. Tính chung cả công ty, hiện mức tiêu hao điện để sản xuất 1 tấn xi măng của Vicem Hà Tiên ở mức thấp, chỉ dao động từ 74-80kwh trong khi đó ở khu vực là khoảng 85-90kwh/tấn xi măng.

Thêm vào đó, việc sử dụng tối đa tro, xỉ lò cao cùng các nguyên liệu khác như Puzolan trong sản xuất xi măng cũng giúp nâng cao sản lượng sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà vẫn giữ chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, những điều này chưa phải là tất cả. Theo tôi, để một doanh nghiệp tồn tại, đứng vững và phát triển cần nhiều yếu tố. Trước hết là phải quản trị tốt khoản chi phí đầu vào, tìm các giải pháp để giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành trong sản xuất. Trong đó, bao gồm cải tiến dây chuyền công nghệ, xử lý, cải tạo các nút thắt trong dây chuyền, tăng năng suất thiết bị, giảm tiêu hao về năng lượng điện trong sản xuất xi măng, than trong sản xuất clinker... Kế đến là nâng cao năng lực sản xuất và cuối cùng là kiểm soát tốt hoạt động mua sắm nhiên, nguyên vật liệu đầu vào để có giá tốt nhất so với các đơn vị khác cũng như đảm bảo tiến độ.

Những giải pháp này được chúng tôi thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua, đã có kết quả nhưng chưa dừng lại mà tiếp tục tìm tòi để có những giải pháp tốt hơn cho năm sau.

“Vicem Hà Tiên quyết liệt với cuộc chuyển đổi sang sản xuất xi măng xanh, thân thiện với môi trường”. - Ông Lưu Đình Cường – Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên

Đa dạng hóa sản phẩm, đi vào thị trường ngách cũng là một trong những cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, Vicem Hà Tiên đã thực hiện chiến lược này như thế nào?

- Vicem Hà Tiên đang dẫn đầu trên thị trường xi măng ở miền Nam, với hơn 30% thị phần (tính từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Cà Mau), và 10% thị phần xi măng trên cả nước.

Chúng tôi là một trong số rất ít công ty trên thị trường có nhiều sản phẩm chuyên dụng. Ban đầu là xi măng ít tỏa nhiệt, dùng cho các dự án là các đập thủy điện có khối lượng đổ rất lớn. Kế đến, là các sản phẩm như xi măng cọc đất chuyên dùng cho các vùng đất yếu, đầm lầy, kênh rạch; xi măng nền móng, xi măng PCB50 dành cho công trình yêu cầu cường độ cao, cần thi công nhanh để rút ngắn thời gian; xi măng xây tô cho nhà dân dụng chống rạn nứt bề mặt, trát ít bị rơi vữa... Đặc biệt, chúng tôi có loại xi măng bền Sulfat chuyên dùng cho vùng đất bị phèn chua, nhiễm mặn rất phù hợp cho thị trường vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ và đây sẽ là sản phẩm chiến lược của Vicem Hà Tiên trong thời gian tới để xây dựng các công trình chống xâm nhập mặn, chống biến đổi khí hậu tại miền Nam và các hải đảo.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ của dòng sản phẩm chuyên dụng không cao bằng sản phẩm xi măng đa dụng. Tuy nhiên, càng đi vào ngách thì càng bám rễ thị trường được tốt hơn và có được lợi thế hơn trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị thương hiệu. Tôi hy vọng những hoạt động này cùng với sự thay đổi về hậu cần, dịch vụ bán hàng sẽ giúp Vicem Hà Tiên trở nên mạnh hơn nữa.

Cụ thể dịch vụ hậu cần và bán hàng sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực này. Công ty đang triển khai từng bước việc lắp đặt hệ thống phần cứng và phần mềm để xe của nhà phân phối vào nhận hàng chỉ cần quét một thẻ từ là hệ thống sẽ tự động nhận ra các thông số về lái xe, biển số xe, số lượng và chủng loại hàng mà xe cần nhận để chỉ ra điểm xuất hàng cho xe vào thẳng để lấy hàng, giúp tiết kiệm thời gian.

Công ty cũng chuẩn bị triển khai phần mềm ứng dụng trong việc bán hàng và quản lý phương tiện vận chuyển. Ứng dụng này có thể giúp hệ thống nhà phân phối, cửa hàng quản lý được đơn hàng, quản lý được nhà xe, biết tuyến đường đi, định vị phương tiện vận tải... Ứng dụng cũng sẽ giúp khách hàng lẻ tìm được cửa hàng gần nhất để mua sản phẩm hoặc gọi điện thoại đặt hàng hoặc mua hàng trực tuyến...

Dự kiến, vào tháng 1-2020, ứng dụng này sẽ được đưa vào hoạt động thử cho các cửa hàng, nhà phân phối ở TPHCM, Tây Ninh và sau đó là mở rộng ra cho khách hàng lẻ.

Xin cảm ơn ông.

Đào Loan thực hiện

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mâm tiệc cơm niêu món chay cho ngày 1-11 Âm lịch

0
(SGTT) – Hôm nay, ngày mùng 1 tháng 11 Âm lịch, "Trưa nay ăn gì" giới thiệu đến bạn đọc mâm cơm niêu độc đáo,...

Trải nghiệm cắm trại cuối tuần tại suối Đạ Huoai

0
(SGTT) - Suối Đạ Huoai nằm tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, bắt nguồn từ các dòng suối nhỏ trong núi. Hai bên...

Buổi sáng thử vị mì gà người Hoa với xá kén...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, một số tiệm mì người Hoa có chuẩn bị thêm gia vị xá kén để phục vụ thực...

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 740 điểm sạt lở

0
(SGTT) - Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 743 điểm sạt lở với tổng chiều dài 794km. Trong đó, có 168 điểm sạt...

Nha Trang đón gần 500 khách quốc tế trên chuyến tàu...

0
(SGTT) - Sáng 30-11, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ đón đoàn tàu hỏa xuyên Việt đưa 462 du khách...

Đưa công nghệ đo sóng não EEG với người lái Audi...

0
(SGTT) - Công nghệ đo sóng não EEG (công nghệ Điện não đồ) - một bước đột phá giúp khách hàng không chỉ trải...

Kết nối