(SGTT) - Khi trời đông chuyển sang xuân, những người đi du lịch xa mà không có sự chuẩn bị tốt sẽ rất dễ bị bỏng da do trời quá nóng hoặc quá lạnh. Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến, chuyên khoa tư vấn, điều trị chăm sóc da và làm đẹp thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM đã trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về cách thức để có làn da đẹp, mịn màng khi đi du lịch đầu năm.
Sài Gòn Tiếp Thị: Đi du lịch vào dịp đầu năm, nhiều người nói với nhau về chuyện bỏng da khi trời nóng và cả khi trời lạnh. Xin bác sĩ cho biết những rủi ro về da khi đi du lịch mùa này cũng như cách đơn giản nhưng hữu hiệu để bảo vệ da trong khi đi du lịch?
Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến: Khi mùa lạnh đến, da của chúng ta thường khô hơn và mất đi độ ẩm tự nhiên. Điều này làm cho da trở nên khô căng, đặc biệt là với những người có làn da khô và nhạy cảm. Nếu làn da khô sẽ bị mất đi độ ẩm, còn làn da dầu sẽ bị mất nước.
Để chăm sóc da mặt, bạn cần dùng chất dưỡng ẩm cho da khô hoặc dùng gel cấp nước cho da dầu kể cả buổi sáng và buổi tối. Chất dưỡng ẩm có thể dùng là tinh chất dưỡng ẩm, để bảo đảm da được cung cấp độ ẩm hoàn hảo.
Cần lưu ý rằng ngay cả ở những khu vực trời âm u, không thấy ánh nắng mặt trời tia cực tím UVA vẫn hoạt động và có thể xâm nhập vào da, khiến da trở nên sạm, đen và nám. Do đó, bất kể là trời nắng hay mát bạn cũng phải bôi kem chống nắng và nên dùng loại có khả năng chống được cả tia UVA và UVB, kháng nước với chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Ngoài ra, nên dùng sữa rửa mặt hoặc gel không mùi để rửa mặt lúc trời khô hanh, chọn sữa rửa mặt có chức năng tạo độ ẩm, đặc biệt là những loại có độ pH trung tính từ 4,5 đến 6 để cân bằng độ pH trên da.
Khi tắm bạn nên chọn dùng loại xà bông trung tính thay vì loại có tính kiềm nhiều, nếu không làn da sẽ mất đi lớp lipit bảo vệ da, khiến da khô. Nên đóng kín cửa nhà tắm để giữ cho trong phòng đủ độ ẩm.
Tắm xong, bạn nên lau người bằng khăn mềm, sau đó bôi các loại kem dưỡng ẩm trong vòng ba phút sau khi tắm. Không nên để da khô quá lâu mới bôi kem dưỡng ẩm cho da.
Ngoài việc sử dụng mỹ phẩm, chúng ta cần phải chú ý gì trong quá trình du lịch để làn da thích ứng với thời tiết, thưa bác sĩ?
Chúng ta cần thay đổi nếp sinh hoạt, ví dụ cần hạn chế thời gian và nhiệt độ tắm. Mỗi ngày bạn không nên tắm quá lâu, mỗi lần tắm chỉ 5 - 10 phút là đủ. Nếu tắm lâu da sẽ bị mất nước, khô. Không nên tắm nước nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da.
Tương tự, không nên rửa mặt bằng nước quá nóng vì có thể làm hỏng kết cấu biểu bì của da. Việc thoát khí nhanh hơn sẽ làm cho da khô nhanh hơn, nhiều trường hợp còn xảy ra mẩn ngứa.
Để phục hồi làn da sau khi tiếp xúc với thời tiết quá khô nóng hoặc lạnh, chúng ta cần làm gì?
Nếu làn da bị tổn thương, bạn cần đến các bệnh viện chuyên khoa da để được phục hồi và chăm sóc da. Dùng điện di tinh chất là một phương pháp giúp đẩy tinh chất dưỡng da đi tới tận lớp trung bì của da. Dưỡng chất thấm sâu sẽ phát huy hiệu quả, thay thế và cải thiện phần da sần sùi, nám, nhăn.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể điều trị da bằng các phương thuốc y học cổ truyền nhằm cải thiện làn da từ bên trong, điều hòa nội tiết, cân bằng khí huyết, tái tạo da.
Để da khỏe trở lại sau chuyến đi dài, chúng ta có thể đắp mặt nạ cung cấp độ ẩm, làm đẹp da, ưu tiên dùng các loại mặt nạ từ nguyên liệu tự nhiên như cà chua, dưa leo, nha đam… Những nguyên liệu này giúp cho làn da được dưỡng sâu và thư giãn, da trở nên hồng hào, tăng độ đàn hồi và giảm nếp nhăn.
Bên cạnh đó, việc tẩy tế bào chết một lần mỗi tuần để tẩy tế bào chết và lão hóa, giúp da mềm mại, mịn màng, dễ hấp thu dưỡng chất từ bước dưỡng da tiếp theo.
Ăn đúng, uống đủ nước cũng giúp da mau phục hồi. Nếu nước giúp hệ thống tuần hoàn làm việc tốt hơn, điều chỉnh bài tiết các chất dinh dưỡng, thì rau xanh và trái cây cũng rất cần thiết. Các loại trái cây có màu vàng, cam, trái việt quất, rau màu xanh, cà chua, đậu phộng, cá… có thể chống oxy hóa. Chế độ ăn giàu vitamin C, chất béo và tinh bột có thể giúp trẻ hóa làn da. Các loại thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa chất béo omega 3 và omega 6 như dầu cá và dầu hạt lanh sẽ giúp hỗ trợ điều trị da khô. Dĩ nhiên, bạn nên hạn chế ăn ngọt và các loại bơ, sữa.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Hoàng Nhung thực hiện