Thứ tư, Tháng năm 14, 2025

Tạo cú hích cho du lịch địa phương qua sản phẩm ‘theo dấu phim’

A.I
(SGTT) - Những bộ phim điện ảnh thành công, đặc biệt là khai thác bối cảnh địa phương, thường tạo ra làn sóng du khách đến các điểm quay phim. Phát triển sản phẩm du lịch "theo dấu phim" sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

“Sức bật” cho du lịch từ phim ảnh

Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam đều chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa sự tăng trưởng du lịch và kinh tế địa phương với việc công chiếu thành công các bộ phim được quay tại địa phương đó.

Tại Việt Nam, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) đã đưa hình ảnh đồng quê Phú Yên đến gần hơn với công chúng, giúp lượng du khách đến địa phương này tăng từ 20–25% so với cùng kỳ năm trước, theo Sở VH-TT&DL Phú Yên.

Bộ phim Hollywood Kong: Skull Island (2017) đã góp phần đưa hình ảnh du lịch Việt Nam gần hơn với du khách quốc tế, thông qua những địa điểm xuất hiện trên phim như Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình)...

Cảnh quay nổi tiếng trên cầu tàu gỗ bên hồ Brienz (Thụy Sỹ), nơi nhân vật Ri Jeong-hyeok (do Hyun Bin thủ vai) chơi đàn piano trong bộ phim Hạ cánh nơi anh, đã trở thành điểm đến thu hút du khách khắp thế giới. Ảnh: Nguyễn Tất Thịnh

Ở quy mô quốc tế, nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc thúc đẩy du lịch. Theo một nghiên cứu từ TCI Research, năm 2017 đã có khoảng 80 triệu du khách quyết định điểm đến dựa trên những bộ phim hoặc chương trình truyền hình họ đã xem. Ở Thái Lan, bộ phim Lost in Thailand (2012) góp phần tăng 68,7% lượng du khách Trung Quốc đến trong năm 2013, theo UNWTO.

Ở New Zealand, loạt phim The Lord of the Rings giúp lượng khách quốc tế tăng từ 1,7 triệu người năm 2000 lên 2,4 triệu người năm 2004, thông tin từ Tourism New Zealand.

Nhiều điểm đến cụ thể đã chuyển mình thành điểm du lịch nhờ tác động của phim ảnh. Theo VisitBritain, ở Anh, loạt phim Harry Potter giúp du lịch đến các điểm quay phim tăng trung bình 50%, thậm chí lên đến 200%. Frozen cũng giúp du lịch đến Na Uy tăng 37% trong quý 1-2014, theo tạp chí Time.

Sau khi bộ phim Hàn Quốc Hạ cánh nơi anh phát sóng, ngôi làng Iseltwald ở Thụy Sĩ đã chứng kiến sự gia tăng đột biến lượng du khách, đặc biệt là từ châu Á. Để quản lý lượng khách đông đảo, chính quyền địa phương đã lắp đặt cổng thu phí tại cầu tàu, yêu cầu du khách trả khoảng 5 franc Thụy Sĩ (tương đương 5,5 đô la Mỹ) để vào khu vực chụp ảnh nổi tiếng.

Theo số liệu thống kê của Úc, cứ 1 đô la Úc được Chính phủ đầu tư cho hoạt động làm phim thì sẽ thu lại được 6 đô la Úc từ các hoạt động liên quan đến việc sản xuất và công chiếu bộ phim.

Ghi nhận thực tế tại Ancient Hue, ông Đinh Tường Huân, đại diện bộ phận Marketing, cho rằng điện ảnh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng lựa chọn điểm đến của du khách. Một ví dụ rõ ràng là sau khi bộ phim Gái già lắm chiêu V lên sóng, lượng du khách đến Ancient Hue đã tăng đáng kể, nhiều người thậm chí gọi nơi này là "biệt phủ Lê Gia" như trong phim.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết năm 2022, lượng khách tham quan Cung An Định – bối cảnh chính trong phim Gái già lắm chiêu V – đã tăng hơn 73% so với thời điểm trước khi bộ phim được công chiếu.

"Chắc chắn rằng, những địa điểm từng xuất hiện trong phim sẽ luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách mong muốn sống lại những khoảnh khắc yêu thích trên màn ảnh", Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Quyền Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.

Phát triển sản phẩm du lịch “theo dấu phim”

Thác Cò Là ở Cao Bằng - bối cảnh phim Đèn Âm Hồn của đạo diễn Hoàng Nam. Ảnh:  Hoàng Nam

Sự kết hợp giữa ngành du lịch và điện ảnh không chỉ mang lại hiệu quả trong việc quảng bá, mà còn mở ra cơ hội mới để phát triển các sản phẩm du lịch bền vững và sáng tạo.

Việc xây dựng các sản phẩm du lịch "theo dấu phim" sẽ giúp kết nối các địa phương với du khách thông qua những bối cảnh quen thuộc trên màn ảnh, từ đó tạo dựng trải nghiệm độc đáo và gắn liền với văn hóa địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch “theo dấu phim" (film tourism) một cách bài bản như Hàn Quốc hay Thái Lan.

Ông dẫn chứng tại Hàn Quốc, sau thành công của các bộ phim như Bản tình ca mùa đông, đảo Nami, từng là điểm đến ít tên tuổi, đã trở thành "thánh địa du lịch" thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Tương tự, Thái Lan tận dụng triệt để bối cảnh phim như The Beach (đảo Phi Phi) hay các phim truyền hình nổi tiếng để xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt.

“Việc đầu tư bài bản vào film tourism sẽ mở ra hướng đi bền vững, vừa quảng bá hình ảnh đất nước, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch", ông Bình nói.

Điều này cũng được đạo diễn, nhà sản xuất phim Hoàng Nam (đạo diễn phim Đèn âm hồn) chia sẻ khi nói về tiềm năng của các bộ phim lịch sử trong việc quảng bá du lịch. “Dòng phim lịch sử nếu được đầu tư nghiêm túc, có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để quảng bá và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc. Từ đó, góp phần phát triển du lịch văn hóa”, đạo diễn Hoàng Nam chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị.

Bên cạnh đó, các bộ phim lịch sử có thể làm mới các tour du lịch truyền thống, ví dụ như tour di tích lịch sử, tour học đường hay hành trình tri ân. Đạo diễn Hoàng Nam cũng cho rằng địa danh lịch sử trong các bộ phim có thể kích thích niềm tự hào dân tộc và tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là đối tượng yêu thích lịch sử.

Đạo diễn Hoàng Nam nhận định địa danh lịch sử trong các bộ phim có thể kích thích niềm tự hào dân tộc và tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách.

Thúc đẩy điện ảnh như công cụ phát triển du lịch

Theo ghi nhận từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, phát triển du lịch “theo dấu phim” không chỉ đơn giản là đón đầu một bộ phim thành công, mà còn yêu cầu một chiến lược lâu dài và bền vững. Các địa phương cần có kế hoạch rõ ràng để phát triển sản phẩm du lịch xung quanh các điểm quay phim.

Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các tour du lịch khám phá những địa danh đã xuất hiện trong phim, tổ chức các sự kiện, triển lãm ảnh hoặc tạo ra các hoạt động trải nghiệm đặc biệt cho du khách.

Theo thạc sĩ Hà Quách, Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, các nhà làm phim tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Trong đó, đáng kể nhất là những vướng mắc về thủ tục hành chính, quá trình kiểm duyệt nội dung còn phức tạp, thiếu các chính sách hỗ trợ tài chính và hạn chế về hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, rào cản văn hóa và ngôn ngữ cũng gây không ít khó khăn cho việc tiếp cận thị trường quốc tế.

Chính quyền địa phương cần xem xét không chỉ lợi ích trực tiếp, mà còn các tác động lan tỏa như doanh thu từ nhà hàng, cơ sở lưu trú và các điểm tham quan du lịch. “Rất cần thiết để nhìn nhận hoạt động sản xuất phim như một khoản đầu tư chiến lược”, thạc sĩ Hà Quách nói.

Làng Sảo Há (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được du khách biết đến nhiều hơn qua hai bộ phim “Tết ở làng địa ngục” và “Kẻ ăn hồn”. Ảnh: Hà Giang Trẻ

Tuy nhiên, tiến sĩ Justin Matthew Pang của RMIT nhắcc nhở rằng các nhà làm phim cần thận trọng với việc thương mại hóa quá mức một điểm đến chỉ vì mục tiêu marketing. Cách làm này có thể dẫn đến tình trạng du lịch quá tải và làm phai nhạt tính chân thực vốn có của địa phương. Việc lựa chọn bối cảnh quay cần được cân nhắc kỹ lưỡng, sao cho điểm đến phải thật sự hòa hợp với thể loại và tinh thần của bộ phim.

Hơn nữa, mặc dù điện ảnh có thể góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhiều địa phương, nhưng cũng không thể phủ nhận những xáo trộn đáng kể đối với sinh hoạt và công việc của người dân. Quá trình quay phim thường kéo theo ô nhiễm rác thải và cả “ô nhiễm con người” – khi lượng người đổ về địa điểm quay vượt quá khả năng chịu tải. Những tác động này cần được quản lý một cách có trách nhiệm.

Nguyên Phong - Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phát triển du lịch ‘theo dấu phim’: Góc nhìn từ Huế

0
(SGTT) – Xu hướng phát triển du lịch gắn với các địa điểm từng xuất hiện trong phim ảnh đang ngày càng phổ biến,...

Hà Giang và Hội An vào danh sách những điểm đến...

0
(SGTT) - Tạp chí Time Out (Anh) vừa công bố danh sách 44 điểm đến được đánh giá là những nơi đẹp nhất thế...

Đưa hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù...

0
(SGTT) - Về vùng sông nước Cửu Long, nhắc đến hát bội, du khách thường nghĩ đến Vĩnh Long - nơi loại hình nghệ...

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 giảm

0
(SGTT) - Theo số liệu Cục Thống kê vừa công bố, Việt Nam ước đón 1,65 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 4-2025,...

Lượng du khách tăng vọt trên cả nước trong dịp lễ...

0
(SGTT) - Trong 2 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch gia...

TSTtourist tung loạt tour văn hóa, lịch sử dịp Hè 2025

0
(SGTT) - Trong dịp Hè 2025, TSTtourist triển khai chương trình “Hè sôi động” với hàng trăm sản phẩm du lịch trong và ngoài...

Kết nối