(SGTT) - Khi thị phần lao dốc, các hãng xe phương Tây đang tăng tốc “bản địa hóa” tại Trung Quốc để đối phó với áp lực từ những thương hiệu xe (EV) điện giá rẻ, công nghệ tiên tiến và ngày càng thấu hiểu người dùng bản xứ.
- Nhập ô tô nguyên chiếc tăng mạnh, riêng từ Trung Quốc tăng hơn 71%
- Xe ô tô dưới 700 triệu đồng được ưa chuộng trong tháng 3-2025
Từng chiếm hơn 60% thị phần, các hãng xe nước ngoài nay chỉ nắm 31% thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu từ công ty tư vấn Automobility. Trong khi đó, các thương hiệu nội địa tiếp tục tạo nên sức ảnh hưởng với loạt xe điện giá rẻ, tính năng cao cấp và phù hợp thị hiếu người dùng bản địa.
Tái cấu trúc để sinh tồn
Để đối phó, các ông lớn như Volkswagen, Toyota, Mercedes-Benz hay BMW đang chuyển hướng chiến lược từ “Toàn cầu hóa” sang “Tại Trung Quốc – Vì Trung Quốc”. Mercedes dự kiến tung ra mẫu xe điện CLA mới trong năm nay, được phát triển bởi đội ngũ R&D (research and development) tại Trung Quốc, với khả năng tự lái nâng cao và tốc độ sạc nhanh hơn.

BMW cũng không đứng ngoài cuộc khi thông báo dòng xe điện Neue Klasse sẽ được sản xuất tại Trung Quốc từ năm sau, với sự tham gia của các đối tác công nghệ như Alibaba và Huawei.
Chuyển dịch để tạo nên giá trị
Không còn giữ thế chủ động tuyệt đối như trước, nhiều nhà sản xuất xe nước ngoài giờ đây phải dựa nhiều hơn vào công nghệ và nền tảng do đối tác Trung Quốc phát triển.
Mazda đã trình làng mẫu xe điện EZ-6 sử dụng cấu trúc và thiết kế của hệ thống truyền động do Changan thiết kế. Trong khi đó, Toyota bZ3X, một chiếc SUV điện giá 15.000 đô la, được phát triển dựa trên nền tảng xe điện của GAC (thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) có hơn 40% thành phần giống với mẫu Aion V của GAC.
Toyota là một trong số ít hãng nước ngoài duy trì được doanh số tương đối ổn định, với 1,8 triệu xe bán ra tại Trung Quốc trong năm 2024 - chỉ giảm 8% so với mức đỉnh năm 2021. Tuy nhiên, hãng xe này cũng đang chuyển giao nhiều quyền tự chủ hơn cho thị trường nội địa. “Thay vì người Nhật làm xe cho người Trung Quốc, sẽ là người Trung Quốc làm xe cho chính họ,” Giám đốc tài chính Toyota, ông Yoichi Miyazaki phát biểu hồi tháng 11.
Ngoài ra, Audi sẽ ra mắt mẫu xe đầu tiên thuộc thương hiệu phụ mới chỉ dành riêng cho Trung Quốc. Thậm chí, mẫu xe này không sử dụng logo bốn vòng quen thuộc mà sẽ được thiết kế để nhằm nhắm vào người trẻ. Toàn bộ mẫu xe này được phát triển cùng với SAIC.
Cơ hội cuối cùng để lấy lại niềm tin?
Theo giới phân tích, nỗ lực hiện tại của các hãng xe phương Tây có thể là cơ hội cuối cùng để họ giành lại chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc, khi EV chiếm tới 45% tổng doanh số xe mới. Ông Paul Gong, chuyên gia của UBS, nhận định rằng các liên doanh ngày nay không còn chỉ là kênh bán hàng cho xe nhập khẩu, mà dần trở thành nơi sáng tạo ra các mẫu xe bản địa hóa thực thụ.
Toyota cũng vừa xác nhận sẽ giao toàn quyền phát triển sản phẩm cho chi nhánh Trung Quốc, với triết lý “Tư duy Trung Quốc bởi người Trung Quốc, bằng phương pháp Trung Quốc.” Tuy nhiên, thương hiệu cao cấp Lexus vẫn sẽ do công ty mẹ kiểm soát, với kế hoạch xây dựng nhà máy pin và xe điện mới tại Thượng Hải - một trong ba cơ sở có 100% sở hữu nước ngoài hiếm hoi tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, chiến lược bản địa hóa và hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp Trung Quốc đang trở thành lựa chọn sống còn cho các hãng xe phương Tây nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xe điện toàn cầu.
Theo Financial Times