Chủ Nhật, Tháng tư 27, 2025

Thăm Láng Le – Bàu Cò, nơi in dấu chiến công vùng bưng biền TPHCM

(SGTT) -  Cách trung tâm TPHCM khoảng 20km, Láng Le – Bàu Cò nằm giữa đồng bưng rộng lớn xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Khu vực này từng là nơi từng ghi dấu những trận đánh ác liệt trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với vị trí chiến lược nằm ngay cửa ngõ vào nội đô Sài Gòn, vùng căn cứ Vườn Thơm, trong đó có khu vực Láng Le - Bàu Cò đã diễn ra nhiều trận đánh quan trọng và ghi chiến công của quân và dân ta.

Sở dĩ có tên Láng Le - Bàu Cò là do ở đây có nhiều láng nước và bàu nước tích đọng quanh năm, nhiều loài chim như le le, cò, diệc tìm đến kiếm ăn. Vậy nên khi người dân đến khai phá, định cư đã đặt tên là Láng Le - Bàu Cò, hay gọi tắt là vùng Láng Le. Ngoài ra, nơi đây còn được gọi là vùng “Tam Tân” gồm ba xã Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt nay thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM. 

Cổng vào Khu di tích Láng le - Bàu Cò.

Vào đầu thế kỷ XX, khi phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra, vùng này là nơi diễn thuyết và tổ chức “Hội kín” của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Bên cạnh đó, nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình của nhân dân chống bắt phu, đấu tranh đòi giảm tô thuế.

Trận chống càn ngày 15-4-1948, lực lượng kháng chiến đẩy lùi nhiều đợt tấn công càn quét quy mô lớn của địch gần 3000 quân tinh nhuệ, vũ khí hiện đại. Quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, bảo vệ căn cứ Tỉnh uỷ Chợ Lớn và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trận đánh gây tiếng vang khắp miền Đông Nam bộ, đồng thời khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành trong phối hợp tác chiến.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, căn cứ Láng Le - Bàu Cò vẫn là điểm nóng mà địch luôn tìm cách tiêu diệt. Năm 1965, Mỹ đưa quân về Tân Nhựt phối hợp cùng chính quyền Sài Gòn đánh phá ác liệt, dùng pháo binh, tàu chiến và máy bay oanh tạc khu căn cứ.

Ngày 14-10-1966, lực lượng Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 Bình Tân phối hợp với du kích xã Tân Nhựt xuất phát từ ấp 1, bất ngờ “thọc sâu” xuống các ấp 3, 4, 5, 6, đánh vào bộ máy kìm kẹp của địch. Ngay lập tức, pháo 105 ly từ chi khu Bình Chánh nã tới tấp vào Láng Le, đồng thời địch mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn. Trong trận này, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 30 biệt động quân của địch, tiêu diệt gần 160 tên địch, bắt sống hơn 60 tên và thu nhiều vũ khí của chúng. Thắng lợi của trong trận đánh này đã góp phần bẻ gãy, đập tan cuộc hành quân tìm diệt, làm phá sản cuộc tiến công mùa khô của địch.

Với những gì đã trải qua, để ghi nhớ chiến công của lực lượng cách mạng, năm 1988, Huyện ủy Bình Chánh đã xây dựng công trình Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò tại ấp 1, xã Tân Nhựt. Công trình có diện tích khoảng 10.000m², gồm có nhà truyền thống, tượng đài chiến thắng, nhà bia và bia tưởng niệm.

Nhà truyền thống tại Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò
Bên trong nhà truyền thống, nhiều hình ảnh và tư liệu về vùng đất Láng Le - Bàu Cò được trưng bày, tái hiện một thời kháng chiến.
Khu vực nhà bia.
Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò mở cửa đón khách từ hàng ngày từ 8:00 sáng.
Với những sự kiện lịch sử diễn ra tại Láng Le - Bàu Cò, năm 2003 địa danh này đã được UBND TPHCM xếp hạng  là di tích lịch sử cấp thành phố.

Từ cổng Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò nhìn sang đối diện là Khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây là một "địa chỉ đỏ" ghi dấu sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Khu truyền thống cách mạng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 có diện tích khoảng 12ha, được khánh thành vào năm 2020.

Điểm nhấn nổi bật của khu truyền thống là bức tường phù điêu bằng đồng đỏ, cao 9m, dài 90m, tái hiện trận đánh lịch sử vào cơ quan đầu não của địch. Ở vị trí trung tâm, nhóm tượng chính gồm lực lượng thanh niên xung phong, quân giải phóng, lực lượng hậu cần và dân công hỏa tuyến. 

Bên dưới khuôn viên bức phù điêu là tầng hầm (nhà truyền thống) của Khu di tích Mậu Thân 1968. Nơi đây được thiết kế theo hình tròn, thấp hơn với mặt đất 6m, diện tích 3.200 m2. Khu tầng hầm với thiết kế hiện đại là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.

Như Ý - Quỳnh Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề