(SGTT) - Tọa lạc tại số 183/4 đường 3 tháng 2, quận 10, TPHCM, căn nhà nay trông bình dị giữa nhịp sống phố thị, nhưng hơn 50 năm trước từng là căn cứ bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Không chỉ cất giấu hàng trăm khẩu súng, kíp nổ và đạn dược, nơi đây còn ghi dấu tinh thần quả cảm, mưu trí của người thợ đóng giày mang bí danh Ba Mủ.
- Những kỷ vật gắn với ngày 30-4-1975 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
- Khám phá đường hầm cách mạng dưới ngôi đình cổ trăm năm tuổi
- Chùa có hầm bí mật dưới tượng Phật, từng che giấu cán bộ cách mạng ở quận 7
Theo TTXVN, chủ nhân của căn nhà là ông Đỗ Văn Căn – quê Hà Nội, vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1942, từng làm thuê, học nghề, rồi mở cơ sở sản xuất giày. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 và đến năm 1963 trở thành thành viên đơn vị J9/T700 – lực lượng Biệt động Sài Gòn chuyên phụ trách tiếp tế, vận chuyển vũ khí.
Năm 1965, theo chỉ đạo từ tổ chức, ông Căn được lệnh xây dựng một căn hầm bí mật chứa vũ khí ngay tại nhà mình. Công việc được thực hiện âm thầm, vào ban đêm, kéo dài gần một tháng. Căn hầm dài 2,2m, rộng 1,8m và sâu 1,7m; nắp hầm rộng 0,4x0,6m, được ngụy trang khéo léo dưới bộ ghế salon đặt trong phòng khách.

Trong vòng bốn tháng sau khi hoàn tất, hàng loạt vũ khí gồm súng ngắn, tiểu liên AK, đạn, lựu đạn, thuốc nổ và các trang thiết bị chiến đấu... đã được chuyển về căn hầm này. Vũ khí được giấu trong các bành mủ cao su, đưa từ cơ sở gia công ở chợ An Đông, rồi chuyển về nhà bằng xe ba gác.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đây là điểm tập kết vũ khí của nhiều cánh quân tiến vào nội đô. Dù căn nhà bị khám xét nhiều lần sau đó, nhưng căn hầm chưa từng bị phát hiện, tiếp tục giữ vai trò trung chuyển vũ khí cho đến năm 1975.

Sau ngày giải phóng, căn nhà trở thành nơi sinh sống của ba thế hệ trong gia đình ông Căn. Trước tình trạng xuống cấp và chật hẹp, UBND TPHCM đã bố trí gia đình chuyển đến nhà mới. Căn nhà cũ được gìn giữ nguyên trạng, cùng căn hầm vũ khí và các hiện vật còn sót lại như quân trang, súng ống, tài liệu… được trưng bày phục vụ khách tham quan.
Năm 1998, địa điểm này được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, với tên gọi “Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965–1975)”.
Ngày nay, căn hầm không còn là "điều bí mật". Hàng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên và khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về một thời kỳ chiến đấu âm thầm nhưng kiên cường của lực lượng Biệt động.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Di tích lịch sử cấp quốc gia - “Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965–1975) do Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận vào tháng 4-2025:











