(SGTT) - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về kế hoạch triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, các bộ, ngành liên quan được giao hoàn thành các thủ tục, đảm bảo khởi công dự án trước năm 2027.
- Sẽ trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào quí 4-2026
- Vốn cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thể đến từ đâu?

Theo chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, với tốc độ thiết kế 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục, baochinhphu.vn đưa tin.
Dự án sẽ bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa đồng thời đầu tư phương tiện và thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh và có khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chi tiết để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm các nghị định quy định về khảo sát, thiết kế FEED, quản lý chi phí và hợp đồng EPC, cùng quy hoạch ga đường sắt; tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hàng hóa đường sắt; hướng dẫn phát triển khoa học công nghệ đường sắt và ứng dụng công nghệ mới; quy định về tạm sử dụng và hoàn trả rừng khi thi công công trình tạm.
Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng và ban hành quyết định của Thủ tướng về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Kế hoạch cũng đề ra việc xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng phê duyệt, xác định thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực như xây dựng, phương tiện, vật tư, điện động lực, hệ thống thông tin, tín hiệu, công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ xây dựng đề án đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt theo nhu cầu của các cơ quan quản lý, đơn vị xây dựng, vận hành, khai thác, bảo trì và các bên liên quan khác.
Chính phủ sẽ kiện toàn ban quản lý dự án, tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tham gia vào mọi giai đoạn, từ chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện, cho đến việc tiếp nhận, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng sau khi hoàn thành.
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để lập và trình Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Tiến độ dự kiến sẽ gồm lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng vào tháng 8-2026.
Hội đồng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo vào tháng 9-2026. Các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành bồi thường, tái định cư trước tháng 12-2026.
Bộ sẽ lựa chọn nhà thầu giai đoạn thi công và đảm bảo điều kiện khởi công trước 31-12-2026 và thi công và hoàn thành dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.
Về mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) tại các ga đường sắt tốc độ cao, các địa phương cần phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát và điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga, điều chỉnh các chỉ tiêu, nhằm triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD.
Các địa phương lập và phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại các ga; bố trí ngân sách địa phương để triển khai công tác bồi thường, tái định cư, tạo quỹ đất đấu giá phát triển đô thị; tổ chức đấu giá quỹ đất vùng phụ cận ga để phát triển đô thị, tạo nguồn ngân sách cho địa phương và Trung ương tái đầu tư.