Thứ tư, Tháng tư 23, 2025

Chùa có hầm bí mật dưới tượng Phật, từng che giấu cán bộ cách mạng ở quận 7

Du lịchHành trình - Điểm đếnChùa có hầm bí mật dưới tượng Phật, từng che giấu cán...
(SGTT) - Ẩn mình sau dáng vẻ trang nghiêm và yên bình của một ngôi cổ tự hơn 120 năm tuổi tại quận 7, TPHCM, chùa Long Hoa từng là “thành lũy” thầm lặng trong phong trào cách mạng Nhà Bè thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

Chùa Long Hoa ban đầu chỉ là một am nhỏ. Đến khoảng năm 1903, được mở rộng với vật liệu thô sơ như vách ván, mái lá. Năm 1957, chùa tiếp tục được trùng tu quy mô lớn hơn, mang kiến trúc đơn giản như nhà ở, với tường gạch và mái tôn. Thời điểm ấy, Nhà Bè xưa còn là vùng sông nước rậm rạp, giao thông chủ yếu bằng ghe xuồng. Chính vị trí ấy đã vô tình biến chùa thành điểm dừng chân an toàn cho những người hoạt động bí mật.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, khi Mỹ thế chân Pháp, phong trào cách mạng ở miền Nam bị đàn áp khốc liệt, buộc các hoạt động phải diễn ra trong bí mật. Trong bối cảnh ấy, chùa Long Hoa trở thành một trong những “căn cứ nhỏ” của huyện ủy Nhà Bè – nơi hội họp, liên lạc và che chở cho cán bộ cách mạng.

Đáng chú ý là hai hầm bí mật được xây dựng công phu, một nằm ngay dưới chân tượng Phật trong chính điện cũ, được ngụy trang là nơi để nhang, hiện vẫn còn nguyên vẹn; hầm còn lại nằm gần tượng Phật Di Lặc, cách điện cũ khoảng 5 mét, nay đã bị lấp, chỉ còn dấu tích miệng hầm. Dù từng nhiều lần bị khám xét, kiểm tra, lực lượng địch vẫn không phát hiện được các cán bộ đang ẩn náu.

Dưới đây là một số hình ảnh hiện tại chùa Long Hoa do Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện vào tháng 4-2025: 

Chùa Long Hoa từng là cơ sở bí mật giữa vùng sình lầy hiểm trở của Nhà Bè xưa, là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và là điểm liên lạc của lực lượng du kích địa phương. Ảnh: Tuyết Hồng
Chùa Long Hoa tọa lạc tại 1250/41 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM. Năm 2014, chùa Long Hoa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Thành phố. Ảnh: Tuyết Hồng
Năm 1957, chùa được xây dựng, trùng tu với quy mô lớn, kiến trúc đơn giản như nhà ở, tường gạch, mái tôn. Ảnh: Tuyết Hồng
Ngôi chính điện cũ với bệ thờ Phật Thích Ca — nơi có căn hầm bí mật. Ảnh: Tuyết Hồng
Lối vào hầm ngay dưới tượng Phật, được ngụy trang là nơi để nhang, hiện nay vẫn được sử dụng. Dấu tích căn hầm gần như còn nguyên vẹn. Ảnh: Tuyết Hồng
Căn hầm đủ chỗ cho khoảng 3 – 4 người. Cửa vào hầm có chiều cao 1.4m, chiều rộng 0.5m. Ảnh: Tuyết Hồng
Dù từng nhiều lần bị khám xét, kiểm tra, song lực lượng địch vẫn không phát hiện được các cán bộ đang ẩn náu. Ảnh: Tuyết Hồng
Cách ngôi chính điện cũ khoảng 5m là tượng Phật Di Lặc, nơi từng giúp che giấu cán bộ trong những ngày giặc càn quét ráo riết. Ảnh: Tuyết Hồng
Căn hầm này nay đã bị lấp, chỉ còn lại dấu tích miệng hầm. Ảnh: Tuyết Hồng
Sau nhiều lần trùng tu, năm 1997, khu chính điện mới được xây dựng và trường nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa ra đời, tiếp nối truyền thống từ bi, gắn bó với cộng đồng. Ảnh: Tuyết Hồng
Kiến trúc chùa mang đậm dấu ấn miền Bắc, đồng thời có những nét đặc trưng riêng của vùng đất Nam Bộ. Ảnh: Tuyết Hồng
Khu chánh điện hiện tại rộng 20 mét, dài 36 mét, trung tâm đặt pho tượng Phật Thích Ca cao 2,8 mét. Từ cổng Tam quan vào đến sân Rồng và khu điện Phật, mọi chi tiết đều toát lên sự uy nghiêm và ấm cúng. Ảnh: Tuyết Hồng
Trải qua hơn một thế kỷ, chùa Long Hoa không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa và kiến trúc của một ngôi cổ tự vùng Nam Bộ, mà còn là chứng tích sống động cho tinh thần yêu nước bất khuất của người dân Nhà Bè – một “căn cứ đỏ” thầm lặng giữa lòng Sài Gòn xưa. Ảnh: Tuyết Hồng

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu đến bạn đọc chuỗi bài viết Nghe Sài Gòn kể chuyện tháng Tư, nhằm giới thiệu những điểm đến văn hóa, lịch sử tại TPHCM gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Tuyết Hồng - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục