KIM AN -
Khác xa với iPhone của Apple hay Galaxy của Samsung hoặc bất kỳ điện thoại nào phổ biến trên thị trường, điện thoại Fairphone có thể tháo rời, sửa chữa và nâng cấp từng thành phần riêng rẻ mà không phải vứt bỏ phần nào. Quan trọng hơn là dây chuyền sản xuất của Fairphone “thân thiện” với nhân công.
Thế nào là một chiếc điện thoại tốt? Có thể đó là vì nó đẹp, mới, dễ dùng và chạy tốt. Nhưng có bao giờ “tuổi thọ” của điện thoại là tiêu chí chọn mua hàng đầu? Chiếc Fairphone được thiết kế chỉ hướng đến tuổi thọ sản phẩm.
Bas van Abel (Hà Lan) muốn sản xuất một chiếc điện thoại vừa đủ tốt và cũng muốn tránh gặp rắc rối về các vấn đề nguyên liệu khoáng sản, môi trường sản xuất độc hại để chế tạo điện thoại dùng đại trà. Vì vậy, hai năm trước, anh đã làm ra Fairphone, điện thoại có đầy đủ các tính năng nhưng điều đáng nói là dây chuyền cung cấp nguyên liệu của Fairphone rất điển hình.
Kể từ khi sản xuất đến nay, dây chuyền cung ứng nguyên liệu này có vẻ thành công. Fairphone đã bán được 60.000 chiếc và có được mối liên hệ và kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp khoáng sản trên khắp thế giới. Hiện nay, công ty vừa cho ra điện thoại phiên bản mới (Fairphone 2), được xem là “hiện thân” của sản phẩm đời đầu, đồng thời có tuổi thọ cao và giá trị sử dụng linh kiện sau khi hết thời.
Theo Bas van Abel, anh thiết kế chiếc Fairphone từ mảnh giấy trắng, không dựa trên một thiết kế có sẵn nào, đó là công việc vô cùng khó khăn.
Về thiết kế, Fairphone 2 khác khá nhiều Fairphone đời đầu. Phiên bản thứ 2 tập trung nhiều vào việc xây dựng quan hệ với dây chuyền cung cấp nguyên liệu, nghĩa là công ty nhìn thấu trong thiết kế chất liệu ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp như thế nào. Van Abel cho biết thêm: “Với Fairphone One, chúng tôi phải đảo ngược quy trình sản xuất vì dây chuyền cung cấp nguyên liệu, nhiều lúc bị tắc lại ở một khâu nào đó. Nhưng với Fairphone 2, chúng tôi có thể sử dụng vật liệu xác định và có thể lựa chọn đối tác mong muốn”. Thông thường, các nguyên liệu khoáng sản cần có là thiếc, tantali và đồng, Fairphone 2 bổ sung hợp chất tungsten (vonfram) và vàng.
Lúc trước, Van Abel có ý tưởng làm cho chiếc điện thoại có tuổi thọ cao nên anh không cần nhiều nguyên liệu mới. Nhưng anh đã thay đổi cách nhìn khi chiếc Fairphone 2 bền chắc hơn, có vỏ ngoài cứng cáp và có thể sửa được. Mặt sau điện thoại tháo ra dễ dàng, các linh kiện trong suốt nên mỗi phần có thể tháo lắp, thay thế rất tiện. Màn hình cũng là một mảnh ghép riêng nên nếu có bị rớt bể, bạn vẫn có thể thay màn hình khác nhanh chóng mà không cần mua điện thoại mới.
Van Abel cho biết họ làm ra điện thoại để ai cũng có thể mở ra, tự thay đổi các phần với nhau. Nếu họ giữ cẩn thận, có thể sử dụng lâu hơn. Dự kiến, Fairphone 2 sẽ được bán với giá 525 euro tại châu Âu vào mùa hè này, kế tiếp là thị trường Mỹ (năm sau).
Fairphone là doanh nghiệp xã hội nên không đặt mục tiêu lợi nhuận. Công ty do các nhà đầu tư sở hữu, cộng thêm vốn từ cộng đồng (được đặt hàng 25.000 chiếc điện thoại đời đầu khi chưa sản xuất được chiếc nào, gây vốn được 7 triệu đô la Mỹ). Sau này, công ty cũng vay ngân hàng 2,5 triệu đô la để phát triển phiên bản thứ 2.
Mục tiêu dài hạn của Fairphone không phải là làm giàu hay bán được hàng triệu điện thoại, mà là thay đổi quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp điện thoại di động.