Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Ứng dụng tiếp thị liên kết để chạm đến nhiều khách hàng hơn

(SGTT) - Tiếp thị liên kết (affiliate marketing) chỉ mới phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hình thức marketing online này đã trở thành một kênh quan trọng để các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo... quảng bá sản phẩm đến khách hàng liên kết hiện nay.

“Việc sử dụng các kênh trực tuyến như Facebook, Google để quảng bá thu hút khách hàng là rất hữu ích, nhưng sự tăng trưởng khách hàng chỉ đạt đến một mức độ nào đó rồi sẽ chững lại”, đó là lời nhận định của anh Lê Thanh Tín, Trưởng phòng Tiếp thị trực tuyến (online marketing) của sàn thương mại điện tử Shopee.vn, về lý do công ty tìm đến tiếp thị liên kết như một kênh mới để thu hút khách hàng từ đầu năm 2018. Kênh tiếp thị liên kết mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi chuyện quảng bá sản phẩm được giao cho các đối tác giàu khả năng thực hiện.

Một kênh tiếp thị mới

Theo anh Võ Phúc Thịnh, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Bắc Philippines (UNP), tiếp thị liên kết là mô hình kinh doanh dựa trên hoa hồng. Trong mô hình này có từ ba đến bốn thành phần tham gia. Một là phía đối tác dành thời gian và nguồn lực quảng bá sản phẩm thông qua việc sáng tạo nội dung, gọi là đối tác đại diện Publisher. Hai là người bán hàng thực tế hay chủ sản phẩm, gọi là Merchant. Ba là mạng lưới trung gian hay diễn đàn tạo môi trường để kết nối các nhóm người bán, người trung gian và người mua với nhau, gọi là Network và cuối cùng là người mua sản phẩm trên thực tế.

Tại Việt Nam, thị trường có các nhà cung cấp mạng lưới tiếp thị liên kết nổi bật như AccessTrade, MasOffer, CIVI System hay Adpia… Đây là những nền tảng tiếp thị liên kết có khả năng kết nối những người chủ sản phẩm như các sàn thương mại điện tử với những đối tác là người sáng tạo nội dung. Các doanh nghiệp thương mại điện tử thông qua những nền tảng tiếp thị liên kết này để được kết nối với những người sáng tạo nội dung, từ đó, được đối tác đó quảng bá các chiến dịch thay vì tự mình quảng bá.

Chẳng hạn, vào Ngày độc thân 11-11 vừa qua, rất nhiều sàn thương mại điện tử có chiến dịch ưu đãi lớn. Để quảng bá chiến dịch này, họ sử dụng kênh tiếp thị liên kết để quảng bá sản phẩm thông qua đối tác và chia hoa hồng cho đối tác.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện triển khai tiếp thị liên kết, như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo… với mức hoa hồng trung bình cho đối tác khoảng 10%. Doanh nghiệp cung cấp các khóa học trực tuyến Unica cũng rất nổi tiếng với mức chia hoa hồng hấp dẫn dao động từ 40% đến 50%.

Chẳng hạn, chương trình tiếp thị liên kết của Lazada là Lazada Affiliates có mô hình chia sẻ doanh thu với mức hoa hồng lên đến 13% từ mỗi đơn đặt hàng tạo ra và hiện đang liên kết với nhiều nhà sáng tạo nội dung là Vlogger, blogger, YouTuber như PrettyMuch channel, Ktheme, The Queen team... để quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Ngoài ra, đối tác của Lazada còn có các nhóm như trang so sánh giá, trang mã giảm giá, trình duyệt web...

Chạm đến thị trường ngách

Anh Phúc Thịnh đánh giá, tiếp thị liên kết là hình thức kinh doanh online rất tiềm năng vì tận dụng được ưu thế của mạng xã hội đang ngày càng phát triển ở Việt Nam cũng như phương thức marketing lan tỏa (viral marketing). Đối với doanh nghiệp, tiếp thị liên kết mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí marketing, tăng khách hàng nhanh vì vận dụng được khả năng quảng bá của đối tác và các bên trung gian.

Song, anh Phúc Thịnh cũng nhận định, do có sự cạnh tranh về giá nên các doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada, Tiki... rất khó chia phần trăm hoa hồng cao cạnh tranh cho các đối tác.

Còn anh Thanh Tín thì cho rằng, trong khi các kênh marketing online khác như Facebook, Google đòi hỏi doanh nghiệp phải có một đội ngũ để vận hành và tối ưu hóa như xây dựng nội dung tốt, phản hồi khi có sự tương tác của khách hàng, phân tích dữ liệu, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm… thì kênh tiếp thị liên kết dựa hoàn toàn vào nguồn lực của đối tác, được đối tác sẵn sàng tối ưu hóa thay vì tự làm.

Ngoài ra, những đối tác mà doanh nghiệp được kết nối có thể đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có những mối quan hệ khác nhau nên doanh nghiệp có thể thông qua đó chạm đến những thị trường ngách. Cuối cùng, quảng bá sản phẩm tốt hơn và mang lại doanh thu cho doanh nghiệp. Thực tế tại Shopee, lượng đơn hàng thông qua kênh tiếp thị liên kết mỗi tháng tăng trung bình 300%.

Rõ ràng, kênh tiếp thị liên kết là một kênh marketing online mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi tận dụng được khả năng của đối tác và tiềm năng của mạng xã hội tại Việt Nam. Song, khi mà hầu như sàn thương mại điện tử nào cũng đều đang triển khai tiếp thị liên kết thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút những đối tác có khả năng quảng bá sản phẩm thay doanh nghiệp bên cạnh những lợi ích như thủ tục đăng ký đơn giản, mức hoa hồng hấp dẫn…

Khải Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người bán có thể ủy quyền cho sàn TMĐT lập hóa...

0
(SGTT) - Theo công điện mới nhất của Thủ tướng về quản lý thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính được giao nghiên...

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Kết nối