(SGTT) - Nền kinh tế số Việt Nam đang có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á với sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo bản báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào đầu tháng 10-2019, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỉ đô la Mỹ lần đầu tiên vào năm nay, tăng tới 72 tỉ đô la so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% hằng năm. Trong khi đó, hai nền kinh tế số Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40% một năm.
3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số Việt Nam có đóng góp vô cùng to lớn từ các hoạt động khởi nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác của Việt Nam đang tiếp tục được hình thành; gọi vốn thành công, nhận thêm đầu tư; mở rộng phát triển…
Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade), công bố Việt Nam hiện đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch danh dự Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết: "Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới, Việt Nam đang có tỷ lệ các công ty khởi nghiệp cao thứ 3 ở Đông Nam Á với 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2019 và tiếp tục tăng lên sau mỗi năm".
Trong đó, TPHCM là nơi luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới sáng tạo và bùng nổ khởi nghiệp, với số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TPHCM (ITPC), thành phố đã xây dựng một chương trình bốn năm (2016-2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Theo Google, đại đa số (khoảng 98%) doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khu vực kinh tế quan trọng này chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP quốc gia. Việt Nam dẫn đầu trong số tất cả các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỉ đô la tổng giá trị giao dịch, chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ năm 2015 đến 2018 và được dự báo sẽ tăng thêm gấp ba lần vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm 25%.
"Đây là lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ và là cơ hội vàng cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam bứt phá, trở thành "Trung tâm đổi mới – Innovation Hub" hàng đầu tại Đông Nam Á", ông Hải Long nhấn mạnh.
Chất xúc tác thương mại điện tử
Sự bùng nổ của kinh tế số nói chung, thương mại điện tử nói riêng đã tạo cảm hứng vô cùng lớn cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong thương mại điện tử, dịch vụ hoàn tất đơn hàng có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt.
Đầu tháng 11 này, start-up Giao hàng Nhanh (GHN) vừa đưa vào vận hành kho phân loại hàng hóa tự động có công suất tối đa 40.000 đơn hàng/giờ, tiết kiệm được gần ¾ lượng nhân công. Với tổng giá trị đầu tư khoảng 2 triệu đô la, đây là kho phân loại tự động duy nhất tại Việt Nam được thiết kế hai tầng, do đó tiết kiệm được diện tích, tăng năng suất.
Trước đó, ngày 28-10, start-up GHN và AhaMove công bố gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Temasek (Singapore). Số tiền đầu tư có thể lên đến 100 triệu đô la. Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng thông tin từ hai công ty này đều khẳng định: “Đây là vòng gọi vốn lớn nhất của công ty từ trước đến nay”.
Cùng với đó là sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Now.vn, GrabFood, Go Viet, Loship, Vietnammm…
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), trên phạm vi cả nước Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Như vậy có thể khẳng định Vietnam Post đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, thị phần của hai doanh nghiệp nêu trên đã giảm rất nhiều trong thời gian gần đây bởi sự bùng nổ của các start-up giao nhận mới. Theo Vecom, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát rất cao, đặc biệt ở TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội số đơn vị thuê Vietnam Post là 20%, ViettelPost là 52%, EMS là 4%, Giao hàng Nhanh là 10%, Giao hàng Tiết kiệm là 9%, các doanh nghiệp chuyển phát khác là 20%. Các tỷ lệ tương ứng ở TPHCM là 15%, 28%, 10%, 5%, 7% và 43%.
Rõ ràng, cảm hứng từ hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang khiến thị trường giao nhận trong nước được dự đoán sẽ vô cùng sôi động trong thời gian tới với sự đầu tư mạnh mẽ từ các start-up trong và ngoài nước.
Trung Thanh