(SGTT) - Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam dự kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào đầu tháng 3 sau khi khảo sát thực tế.
- Sau Tết, số lượng học viên đến các phòng tập tăng mạnh
- Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2024
![](https://cdnsgtt.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/DONY-Online.jpg)
Tại Hội nghị giao ban báo chí đầu năm mới đây, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, năm nay việc làm và đời sống người lao động có nhiều triển vọng, TTXVN đưa tin.
Theo thông lệ, cơ quan này sẽ đề xuất tăng lương sẽ được đưa ra vào tháng 3 sau khi đánh giá kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm 2025, các bộ, ngành đang tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sau khi hoàn thành việc hợp nhất vào đầu tháng 3, Tổng Liên đoàn sẽ xác định thời điểm chính thức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khảo sát sơ bộ về nhu cầu việc làm, thị trường lao động và giá cả hàng hóa. Từ 2009 đến nay, lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh 16 lần. Gần nhất, từ ngày 1-7-2024, Chính phủ tăng 6%, với mức vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu, vùng III là 3,86 triệu và vùng IV là 3,45 triệu.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, từ ngày 1-7, Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực, bổ sung quy định về quản lý tài chính, kiểm toán và thanh tra. Cơ quan này sẽ báo cáo Quốc hội về thu chi công đoàn mỗi 2 năm, đồng thời Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán định kỳ và báo cáo cùng kỳ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng văn bản, nghị định liên quan đến quản lý tài chính công đoàn. Từ năm nay, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai kiểm toán độc lập trên quy mô lớn.
Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất và công đoàn cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM sẽ được kiểm toán 100%. Một số công đoàn cơ sở cũng được lựa chọn kiểm toán để đánh giá thực trạng sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.