(SGTT) - Mới cuối mùa mưa, đi về làng mai Bình Lợi - Bình Chánh thăm đất và xem thôn xóm có thay đổi gì không, đã thấy bà con chuẩn bị cho vụ mai Tết. Gió bấc đuổi dần những cơn mưa cuối mùa về phía tương lai, đất vườn bắt đầu khô ráo và mai cũng chuyển mình, tích tụ dưỡng chất cho mùa trổ bông sắp tới.
Những lá mai non đã chuyển già để chờ bàn tay người chăm sóc lặt bỏ mà nhường chỗ cho những nụ mai vàng sẽ nhú lên. Nhìn làng mai mênh mông, nếu không biết được thị trường hoa Tết tại TPHCM lớn đến cỡ nào chắc người trồng mai phải ít nhiều lo lắng. Hàng ngàn, hàng vạn cây mai sẽ về tay ai trong mùa xuân này?
Nhưng năm nào mai vàng cũng có đầu ra, bà con không phải lo hàng dội chợ. Mà trước khi các chợ hoa trong thành phố đóng cửa, bà con trồng mai ở làng hoa cũng đã tận hưởng một mùa vui trước Tết quá tưng bừng khi thương lái đến mua hoa và người đi du xuân tới lui tấp nập, lớp mua bán, tham quan, chụp hình.
Đâu chỉ có người trồng mai mới chuẩn bị hàng bán Tết sớm như vậy. Các nghề khác cũng canh chợ Tết để làm hàng hoặc trữ hàng sớm vì sợ giá tăng cao lúc cận Tết.
Tháng 11 Âm lịch, chị tôi đã làm các loại khô để bán Tết. Chị đặt mua tôm đất và tôm thẻ từ các vuông tôm hoặc các sạp tôm quen để lấy tôm tươi về luộc. Nắng này phơi tôm mau khô lắm! Làm tôm khô thủ công nên phải tranh thủ nắng trời. Tôm sinh trưởng tự nhiên mà làm khô thủ công nữa, nên thịt ngọt ngây, tốt sức khỏe lắm. Hồi xưa không có tủ lạnh để bảo quản, nên tôm khô không để lâu được, nay nhờ có tủ đông nên cứ hết mùa mưa, trời nắng tốt là làm tôm khô lần lần, xong để tủ đông chờ khách mua dịp Tết. Các loại khô lóc, khô bổi, khô sặc… chị cũng làm như thế, lấy công làm lời mà năm nào cũng có cái Tết sung túc, đủ đầy.
Chị bảo, người đi làm việc thấy thương lắm, cuối năm ai cũng bận tối mặt, tới được thong thả nghỉ Tết thì đồ ngon người ta mua hết rồi, nên còn hàng nào cũng lấy, giá bao nhiêu cũng được, vì lỡ hứa tặng quà người thân rồi, vì lỡ rủ bạn đến nhà chơi rồi nên phải chuẩn bị. Mấy năm hút hàng, giá cứ lên vù vù, lên chóng mặt luôn vào mấy ngày giáp Tết.
Còn một nghề ở nông thôn diễn ra vào những ngày cuối tháng Chạp, có khi muộn đến lúc học sinh nghỉ Tết mới làm, đó là đi tát đìa.
Cuối năm, ruộng khô, cá bắt đầu rút xuống các ao, đìa. Nông dân mình đem lưới ra chụp cá hoặc tát ao lên cho cạn nước rồi bắt đám cá đang loi ngoi dưới sình. Đìa dài, đìa rộng thì chụp bằng lưới, đìa nhỏ thì có thể bơm nước lên để bắt cá. Nhiều nhất là cá lóc, rồi cá trê, cá rô, cá sặc. Đìa nào lớn bắt được hàng trăm ký, đìa nhỏ cũng vài chục ký. Khi đó, người nhà đi rủ rê hàng xóm đến chia (mua) cá về ăn Tết. Khoảng hăm mấy Tết thì đem cá về rộng để ăn cá tươi hoặc làm khô cũng kịp nếu gặp nắng tháng Chạp nhiều gió, khô phơi hai ba nắng là ăn được rồi. Còn làm mắm thì để sang năm, lúc mưa xuống, tới mùa cấy lúa lấy ra ăn là vừa.
Đi bắt cá hôi kiểu này, bùn đất lấm lem mà vui lắm. Vui như ngày hội vì làm việc tập thể mà thành quả thì chia nhau, trong chốc lát mà có cái ăn hay bữa tiệc ngon lành. Lúc đi, lúc làm, lúc về, ai nấy tay xách nách mang, nói cười rôm rả. Cá hôi cũng là một thứ lộc trời cho, người được lộc không vui cười sao được!
Mấy nghề của anh chị, thấy vậy mà còn muộn hơn nghề của mình. Mình thì deadline là tháng 11 Dương lịch phải gửi bài cho báo xuân. Nên cứ chờ có chút gió về là gõ lấy gõ để máy tính cho ra những bài nhẹ nhàng, lãng đãng mà có tình có lý. Năm nào gió về muộn phải kiếm một bến sông mát mẻ để viết bài, để tưởng tượng ra cảnh sắc xuân thật đẹp nao lòng cho một bài viết mà phải hai tháng sau báo mới phát hành, người ta đọc bài ngay trân mùa gió Tết! Rồi khi Tết đến thật rồi thì chụp hình để đó, biết đâu năm sau ngó nó mà hồi tưởng một mùa đã qua cho cảm xúc một mùa sắp tới! Nên nghề của mình cũng tự xếp vào diện làm hàng Tết sớm luôn!
Được ăn Tết sum vầy là một thứ hạnh phúc, được ăn tết sớm lại càng hạnh phúc hơn như được nếm quả ngọt đầu mùa, mà dư vị còn đọng mãi suốt một mùa dài tưng bừng hoạt động, sặc sỡ sắc màu và rộn ràng thanh âm. Tất cả để hướng về tương lai, về phía trước!