(SGTT) - Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Lễ hội Điện Huệ Nam và nghề làm bún Vân Cù vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Nhìn lại 16 Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
- Tri thức May và Mặc áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Báo điện tử Chính phủ, ngày 11-12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP Huế) và nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Điện Huệ Nam, còn được biết đến với tên gọi Điện Hòn Chén, là sinh hoạt truyền thống thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Lễ hội diễn ra vào tháng ba và tháng bảy Âm lịch hàng năm, nổi bật bởi không khí sôi động với hàng ngàn tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu tham gia, tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa cộng đồng vùng cố đô.
Lễ hội không chỉ là dịp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với di tích Điện Huệ Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Thừa Thiên Huế. Hoạt động này đồng thời gắn kết với tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Trong khi đó, làng nghề bún Vân Cù, với lịch sử hình thành hơn 400 năm, nổi tiếng nhờ sợi bún trắng ngà và hương vị đặc trưng. Hiện nay, làng nghề có hơn 100 hộ tham gia sản xuất, cung cấp bún cho các chợ, nhà hàng và quán ăn khắp nơi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương.
Việc công nhận này không chỉ khẳng định giá trị di sản của Thừa Thiên Huế mà còn tạo thêm động lực để bảo tồn và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất này.
Trước đó, vào tháng 8-2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Tri thức may và mặc áo dài của người Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nổi bật khác như Nhã nhạc Cung đình Huế, ca Huế, nghề dệt Dèng, và lễ hội Ada Koonh, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô.
Theo Báo Thừa Thiên Huế, Báo Điện tử Chính Phủ