(SGTT) - Cũng như các đô thị lớn khác, TPHCM cũng đang tập trung chuẩn bị cho việc xây dựng đô thị thông minh như một sự phát triển tất yếu. Có vẻ như trong kế hoạch lớn này việc xây dựng thành phố thông minh và chính quyền đô thị điện tử cùng song hành bên nhau. Và thương mại điện tử cũng hòa chung vào dòng phát triển này.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho hay trong lộ trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của TPHCM, thành phố sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu AI – nơi sẽ thường xuyên tổ chức hội thảo AI, ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành về AI trong nước và quốc tế. Hiện nay, đã có nhiều ứng dụng về AI tại TPHCM, như ứng dụng AI trong trung tâm mô phỏng và dự báo tình hình kinh tế-xã hội, dùng các thuật toán AI để phân tích dữ liệu. Việc ứng dụng công nghệ AI này trong tương lai sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết những bài toán như ngập nước, ùn tắc giao thông, triều cường...
Đến năm 2025, TPHCM sẽ trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, theo kế hoạch phát triển đô thị thông minh. Thành phố cũng sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút các chuyên gia công nghệ có trình độ cao trong khu vực châu Á về nghiên cứu, làm việc, giảng dạy. Đồng thời, TPHCM sẽ xây dựng và phát triển nguồn cơ sở dữ liệu dùng chung, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng mạng truyền thông hiện đại...
Từng bước đưa ứng dụng AI vào quy trình quản lý
Một trong những nơi có sự hiện diện của AI ở TPHCM bây giờ là Trung tâm điều hành đô thị thông minh – nơi kết nối mạng lưới camera giao thông, camera an ninh... ở nhiều khu vực với nhau tại TPHCM. AI đã được ứng dụng vào chương trình nhận dạng người tham gia giao thông trên các tuyến đường; cụ thể, hệ thống ghi nhận, phân tích dữ liệu đã giúp cảnh sát “phạt nguội” những người vi phạm luật giao thông trong phạm vi TPHCM.
Bên cạnh đó, AI cũng được triển khai từng phần trong các chương trình ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán ngập nước tại thành phố. Thành phố cũng kỳ vọng AI sẽ góp phần nhiều hơn để giúp giải quyết tới nơi tới chốn các bài toán khó trong quản lý đô thị như ùn tắc giao thông, ngập nước – cũng là những vấn đề mà các quốc gia khác ở trong khu vực Đông Nam Á đang gặp phải.
Góp ý kiến cho kế hoạch phát triển đô thị thông minh 2025, Phó giáo sư - Tiến sĩ Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học Máy tính của trường Đại học Bách Khoa TPHCM (năm 2017 - 2018), cho rằng thành phố cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển AI liên kết với các đại học, doanh nghiệp và phải liên minh cùng các thành phố khác trong và ngoài nước để phát triển hệ sinh thái này. Đặc biệt, cần quan tâm việc đào tạo nhân lực AI, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Dựa vào trường đại học
Ông Dương Anh Đức cho hay thành phố đã sớm tính đến việc làm thế nào để TPHCM chủ động cung ứng nguồn nhân lực cho thời AI. Ngay từ đầu thành phố đã mời Đại học quốc gia TPHCM vào Ban tổ chức cuộc hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Khuyến cáo cho TPHCM. Cho đến nay, hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI ở TPHCM đang tập trung ở các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, như trường Đại học Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế… còn ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM có các trường như Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Giao thông Vận tải…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đề nghị thành phố phân công các vị lãnh đạo có trách nhiệm trong từng lĩnh vực để cùng tham gia xây dựng mô hình “thành phố kỹ thuật số” và ứng dụng AI để có thể quyết định giải quyết vấn đề khi cần thiết cũng như có các điều chỉnh phù hợp trong việc xây dựng thành phố kỹ thuật số.
Không thể thiếu kho dữ liệu dùng chung
Hầu hết các chuyên gia công nghệ khi bàn về kế hoạch phát triển đô thị thông minh đều nhấn mạnh tới yếu tố dữ liệu. Đây chính là yếu tố quyết định khi TPHCM triển khai các ứng dụng có sử dụng dữ liệu từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Và điều rất quan trọng là cùng với việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp phải cùng kết nối, chia sẻ dữ liệu... với nhau để có thể triển khai các ứng dụng công nghệ trên diện rộng.
Không kết nối, không chia sẻ dữ liệu thì sẽ không có nhiều ứng dụng sát với nhu cầu thực tế sử dụng. Có thể hiểu được điều này khi mà vị đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, trong cuộc hội thảo triển khai ứng dụng cho Đề án đô thị thông minh gần đây chia sẻ: “Tại Việt Nam đang có hàng chục doanh nghiệp, mười trường đại học đang làm dữ liệu về giọng nói nhưng lại không có sự kết nối, chia sẻ thông tin với nhau để hình thành kho dữ liệu chung. Điều này khiến cho Việt Nam gặp khó khăn không ít trong việc phát triển ứng dụng liên quan tới dữ liệu giọng nói”.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết việc xây dựng kho dữ liệu chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở là cần thiết trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Chương trình này sẽ hình thành kho dữ liệu dùng chung tích hợp các cơ sở dữ liệu của sở ngành, quận huyện; thống nhất các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và khai thác thông tin.
Kho dữ liệu dùng chung của TPHCM hiện đã tích hợp cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, một cửa điện tử, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, địa chính, cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục...
Chí Thịnh