(SGTT) - Những công nghệ như robot, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, blockchain… ngày càng phổ biến trong các kho hàng của các công ty giao nhận, sàn thương mại điện tử lớn hiện nay và cho thấy vai trò không thể thiếu của chúng trong hoạt động thương mại điện tử hiện đại.
Hai hoặc ba giờ, rồi còn ba mươi phút, là khoảng thời gian giao hàng mong đợi mà nhà bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) nào cũng muốn duy trì ở mức ổn định nhất có thể, nhằm làm hài lòng người mua hàng, giữ uy tín với họ đồng thời giúp nâng doanh số cao thành cao hơn. Lời đáp cho bài toán này không gì khác hơn là đầu tư công nghệ hiện đại vào các khâu tiếp nhận, xử lý.
Theo các công ty có dịch vụ giao, nhận hàng, việc ứng dụng các công nghệ như điện toán đám mây, máy học cũng như blockchain (chuỗi khối) sẽ giúp cho số lượng đơn hàng trên hệ thống được giải tỏa nhanh, chi phí lưu kho, bến bãi giảm, lộ trình đi được rút ngắn, giúp tài xế có thể giải quyết được nhiều đơn hàng, phục vụ được nhiều khách hàng hơn...
Rút ngắn thời gian giao hàng
Giao hàng ở nội thành nhanh nhất là bao lâu? Một số sàn TMĐT lớn hiện đang cạnh tranh nhau ở dịch vụ giao hàng “siêu tốc” trong nội thành dưới hai giờ đồng hồ. Để làm điều này, công ty giao nhận Ship60 ứng dụng các công nghệ như máy học (machine learning), phân tích dữ liệu lớn (big data Analytics) cùng với việc khai thác dữ liệu giao thông trên bản đồ số Google Maps nhằm dự đoán tình trạng giao thông. Với những thông tin khai thác được từ bản đồ số Google Maps, dữ liệu ghi lại từ đội ngũ nhân viên giao nhận, hệ thống Ship60 sẽ đưa ra cho nhân viên giao nhận Ship60 lộ trình giao hàng hợp lý, hạn chế nguy cơ bị kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Một số hãng giao hàng như Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh (GHN) cho phép khách hàng theo dõi được đường đi của món hàng đã đặt mua bằng cách cài đặt ứng dụng GHN Express hoặc truy cập vào trang web https://5sao.ghn.vn. Khách hàng nhập mã vận đơn tại ô “nhập mã đơn hàng bạn cần tra cứu” trên thanh menu để theo dõi tình trạng đơn hàng.
Còn công ty giao nhận Lalamove thì hỗ trợ cho khách hàng theo dõi đường đi của món hàng theo thời gian thực thông qua ứng dụng Lalamove. Nhờ vậy, khách hàng có thể theo dõi gói hàng của mình đang di chuyển tới đâu, khi nào có thể tới chỗ giao hàng...
Phối hợp nhiều giải pháp khác nhau
Bà Nguyễn Đức Quỳnh Lan, Giám đốc khối vận hành Lazada Express Việt Nam (LEX), cho biết hiện tại, Lazada đang áp dụng công nghệ AI cũng như phối hợp linh hoạt hệ thống online và offline trong hoạt động tiếp nhận và gửi hàng hóa để có thể mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và nhà bán hàng. Ví dụ, hoạt động giao hàng tại điểm DOP (Drop Off Point) sẽ giúp nhà bán hàng có thể mang hàng hóa ra gửi ở các điểm gần nhất (đó là các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi...).
Nhờ phối hợp linh hoạt các hệ thống online và offline nên Lazada cung cấp những cách thức giao nhận khác nhau cho nhà bán hàng cũng như người mua. Nhân viên giao nhận LEX có thể tới tận nơi để nhận hàng hóa gửi đi (từ người bán) hoặc nhà bán hàng gửi hàng tại các điểm DOP và chuyển hàng hóa tới kho hàng của LEX.
Việc tạo ra nhiều điểm gửi hàng, tối ưu hóa lộ trình giao nhận... đang trở thành bài toán cần giải quyết ngay của tất cả các công ty giao nhận. Hệ thống giao nhận của các sàn TMĐT cũng thế, họ phải thiết lập hàng ngàn điểm gửi hàng ở nhiều tỉnh thành khác nhau để các chủ shop bán hàng online có thể gửi hàng nhanh chóng và thuận tiện; có như thế hàng hóa mới có thể giao đến tay khách hàng một cách nhanh nhất.
Tự động hóa kho hàng
Muốn giao hàng nhanh thì việc chọn hàng, đóng gói trong kho hàng cũng phải nhanh mới được. Vậy nên, hiện nay các công ty lớn như Lazada, Viettel Post, Giao Hàng Nhanh đều đã trang bị hệ thống phân loại hàng hóa tự động hoàn toàn trong nhà kho. Tháng 8 vừa qua, GHN đã cho vận hành hệ thống phân loại hàng hóa hoàn toàn tự động tại kho GHN ở Hà Nội. Trong vòng một giờ, hệ thống này phân loại được đến 30.000 đơn hàng, rút ngắn thời gian phân loại hàng hóa từ ba giờ đồng hồ xuống còn ba mươi phút, giúp tăng năng suất khi phân loại, giảm sai sót, đảm bảo hàng hóa giao nhanh hơn và ổn định trong mùa mua sắm cao điểm.
Lazada đã trang bị hệ thống chia chọn, phân loại hàng hóa tự động từ cách đây hai năm, theo đó công ty sử dụng robot để giảm bớt tình trạng chọn và đóng gói sai đơn hàng – một trong những lỗi mà nhân viên nhà kho hay vấp phải. Robot trên thực tế cũng làm tốt hơn các công đoạn phân loại hàng theo kích thước, địa chỉ, chia hàng về từng khu giao hàng khác nhau.
Nói một cách khác các công nghệ mới được ứng dụng nhiều hơn trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 vì giúp giải quyết nhiều vấn đề mà nhân lực con người không đáp ứng được và cũng nhờ sự hiện diện nhiều hơn mà công nghệ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Thiện Mỹ