(SGTT) - Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đánh giá hiệu quả của vắc-xin phòng sốt xuất huyết, nhằm mục tiêu đưa vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho người dân.
- WHO sơ duyệt vaccine bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên
- TPHCM: Khoảng 20.000 trường hợp được tiêm vaccine sởi trong 4 ngày nghỉ lễ
Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến hết tháng 9, cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc giảm 15,5% còn số ca tử vong giảm 14 trường hợp, TTXVN đưa tin.
Tại Việt Nam, virus Dengue-2 đang là chủng gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến nhất trong những năm gần đây, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số ca mắc. Loại virus này thường gây ra các trường hợp bệnh nặng và tử vong.
Việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng sốt xuất huyết là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh vắc-xin Qdenga đã được phép lưu hành, nhiều nghiên cứu khác đang được triển khai nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Cục Y tế dự phòng cho biết việc bổ sung vắc-xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, trước khi triển khai, cần phải thực hiện các đánh giá khoa học kỹ lưỡng về hiệu quả, tính an toàn và kinh tế của vắc-xin, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và được sự đồng thuận của cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp sẽ đưa vào tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho dân.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tình hình dịch sốt xuất huyết đang trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây, khi các ca bệnh xuất hiện quanh năm, không còn tập trung vào mùa mưa như trước và gây ra nhiều ca bệnh nghiêm trọng..
Ngoài ra, không chỉ giới hạn ở miền Trung và Nam, sốt xuất huyết hiện nay đã lan rộng ra cả miền Bắc, đòi hỏi các biện pháp phòng chống quyết liệt hơn, bao gồm cả tiêm chủng.