Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Công trình ngăn mặn lớn thứ 2 tại ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động

(SGTT) - Ngày 4-11, đại diện Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Ban 10) cho biết, dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành, cống ngăn mặn lớn thứ hai ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), đã hoàn thành vượt tiến độ và được bàn giao cho tỉnh Tiền Giang để quản lý và vận hành.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành tại tỉnh Tiền Giang chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11. Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN, với tổng mức đầu tư hơn 518 tỉ đồng, cống âu Nguyễn Tấn Thành không chỉ là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Tiền Giang mà còn là một giải pháp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp người dân yên tâm sản xuất và sinh sống.

Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ 2 ở ĐBSCL chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé của tỉnh Kiên Giang. Dự án được khởi công vào tháng 11-2022 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 11-2024.

Cống âu được thiết kế với cống chính rộng 40 m, sử dụng bê tông cốt thép và cửa van bằng thép vận hành bằng hệ thống thủy lực hiện đại. Âu thuyền dài 150 m, rộng 12 m, được trang bị đầy đủ các thiết bị điều khiển tự động.

Trước đó, để đáp ứng yêu cầu ngăn mặn của tỉnh, nhà thầu đã tiến hành đóng cửa cống từ ngày 1-3 và mở cửa cống trở lại vào ngày 16-5 để phục vụ tưới tiêu và tiêu thoát nước trong mùa khô.

Ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban 10 cho biết, dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành đã hoàn thành đúng tiến độ nhờ sự chỉ đạo của các cấp quản lý và sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Châu Thành và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành cùng với hệ thống các cống trên đường tỉnh 864 sẽ tạo thành một hệ thống thủy lợi đồng bộ, có khả năng ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho cho diện tích gần 100.000 héc ta, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang cùng Long An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Văn Trọng đánh giá cao công trình không chỉ giúp liên kết vùng trong đầu tư mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho việc đắp đập tạm và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Gia Nghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối