Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Những điều cần lưu ý để tránh bị từ chối khi chạy quảng cáo trên Facebook

(SGTT) - Chạy quảng cáo trên nền tảng Facebook là một trong những cách mà nhiều doanh nghiệp sử dụng để mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những trường hợp nhà kinh doanh bị từ chối quảng cáo hay thậm chí bị khoá tài khoản mà không rõ lý do. Vậy cần lưu ý gì trước khi thực hiện chiến dịch quảng cáo trên nền tảng Facebook để không bị hệ thống “gắn cờ"?

Theo số liệu từ Báo cáo doanh thu Quý 3, 2024 của Meta, có hơn 15 triệu nhà quảng cáo sử dụng ít nhất một tính năng quảng cáo AI tạo sinh trong tháng 9 vừa qua. Đồng thời, với con số 2,6 tỉ tài khoản giả mạo, 57 triệu nội dung lạm dụng trẻ em bị gỡ bỏ trong năm 2023, Meta đã tăng cường triển khai 40.000 nguồn lực về an toàn và tính liêm chính trong các bài đăng, quảng cáo trên nền tảng để bảo vệ người tiêu dùng.

Chính vì việc kiểm duyệt nội dung của nền tảng này đang dần được siết chặt, các nhà làm kinh doanh khi chạy quảng cáo trên Facebook cần lưu ý đọc kỹ các chính sách và tiêu chuẩn cộng đồng để không vi phạm, dẫn tới quảng cáo bị từ chối hay thậm chí là tài khoản bị hệ thống gắn cờ (tình trạng người dùng vẫn có thể truy cập và thiết lập quảng cáo như bình thường nhưng không thể gửi Facebook xét duyệt và quảng cáo không thể phân phối đến người dùng).

Những hành vi không nên làm để tránh bị từ chối quảng cáo

Bà Phương Đặng, Quản lý Tiếp thị Sản phẩm Toàn cầu, Meta, cho biết các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải khi chạy quảng cáo bao gồm chạy những nội dung với kết quả hứa hẹn phi thực tế, quảng cáo ám chỉ đặc điểm cá nhân và hành vi vi phạm quyền riêng tư, lách chính sách của Meta…

Cụ thể, theo bà Phương Đặng, quảng cáo không nên chứa thông điệp thể hiện lời hứa hẹn hoặc đảm bảo sẽ mang lại một kết quả phi thực tế, đặc biệt là cho sản phẩm giảm cân hoặc cải thiện sức khoẻ, chẳng hạn như hứa hẹn sản phẩm sẽ giúp người dùng giảm cân cấp tốc trong thời gian bao nhiêu ngày.

Tiếp đến, nội dung của quảng cáo không nên khiến người xem mặc cảm về bản thân, chỉ ra đặc điểm bị coi là khiếm khuyết để thuyết phục người xem mua hàng. Bà Phương Đặng lưu ý thêm, rất nhiều những quảng cáo về làm đẹp và sức khỏe có xu hướng so sánh before (trước) và after (sau) - đây cũng là nội dung sẽ bị hệ thống kiểm duyệt và từ chối.

“Trong quy trình xét duyệt, Meta sẽ xem xét các thành phần cụ thể của quảng cáo ví dụ như hình ảnh, video, văn bản và cách nhắm mục tiêu cũng như đích đến cùng những thông tin khác của quảng cáo", bà Phương Đặng nói.

Vì vậy, các nhà quảng cáo không nên thực hiện các hành vi lách chính sách của Meta, bởi đây cũng sẽ là một trong những yếu tố khiến tài khoản bị gắn cờ và thậm chí là bị khoá nếu hệ thống phát hiện. Quảng cáo không nên lách chính sách bằng cách sử dụng các biểu tượng hoặc ký tự unicode trong văn bản quảng cáo với mục đích che giấu các từ hoặc cụm từ bị cấm, không nên sử dụng các ký hiệu để che đi nội dung, các bộ lọc, kỹ thuật làm mờ… để ẩn nội dung trong hình ảnh và video.

“Dù sớm hay muộn, hệ thống của chúng tôi cũng có thể quét được tài khoản, quảng cáo có những hành vi hay nội dung lách chính sách, những tài khoản thường xuyên có hành vi này sẽ bị gắn cờ, và nếu bị gắn cờ tài khoản này khi chạy quảng cáo sẽ phải trả một số tiền lớn hơn so với các tài khoản không vi phạm", bà Phương Đặng nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi quảng cáo bị từ chối hay tài khoản bị “gắn cờ"?

Nếu quảng cáo của doanh nghiệp bị từ chối, doanh nghiệp có thể chỉnh sửa và gửi lại quảng cáo hoặc yêu cầu hệ thống của Meta xem xét lại. Cụ thể, nhà kinh doanh có thể kiểm tra các yếu tố như hình ảnh, video, văn bản, cài đặt nhắm mục tiêu và landing page của mình. 

Đồng thời, truy cập vào Trang chủ hỗ trợ kinh doanh (Business Support Home), đây là trang chủ giúp doanh nghiệp kiểm tra “sức khoẻ” của tài khoản và trang, cung cấp các thông báo vi phạm từ hoạt động quảng cáo cũng như yêu cầu kháng nghị từ chối/khoá tài khoản. 

Nếu sau khi xem xét chính sách quảng cáo của Meta mà nhà quảng cáo vẫn không biết lý do quảng cáo của mình bị từ chối thì có thể yêu cầu xem xét lại. Quy trình này thường hoàn tất trong vòng 24 giờ nhưng trong một số trường hợp có thể cần nhiều thời gian hơn (tối đa 48 giờ).

Các bước doanh nghiệp cần làm để yêu cầu xem xét lại quảng cáo bị từ chối là đăng nhập vào tài khoản quảng cáo và chuyển đến Trang chủ hỗ trợ doanh nghiệp. Sau đó, chọn những quảng cáo mà doanh nghiệp cho rằng đã bị từ chối không thỏa đáng trong phần 'Tổng quan về tài khoản', rồi chọn 'Yêu cầu xem xét lại'.

Meta cho biết thêm, để tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp vướng phải câu chuyện bị từ chối quảng cáo hay bị khoá tài khoản, đơn vị này đang nghiên cứu công cụ giúp nhà quảng cáo có thể kiểm tra nội dung quảng cáo của mình có vi phạm chính sách nào của Meta hay không trước khi gửi duyệt.

Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề xuất chặn quảng cáo của sàn thương mại điện tử...

0
(SGTT) - Sở Công Thương TPHCM vừa gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương, đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý hiệu...

Cập nhật 3.000 địa chỉ được xác thực cho quảng cáo...

0
(SGTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố danh sách hơn 3.000 trang nội dung trực tuyến được xác thực. Đây...

Chi tiêu cho quảng cáo trên toàn cầu dự báo tăng...

0
Tăng trưởng quảng cáo toàn cầu chậm lại vào đầu năm 2023, nhưng dự kiến trở lại tốc độ nhanh hơn trong nửa cuối...

Hạn chế phát sóng, biểu diễn đối với KOL vi phạm...

0
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOL) khi vi phạm pháp luật hoặc có hành...

Công bố danh sách nội dung ‘đã được xác thực’ cho...

0
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đăng tải công khai trên website bản...

Kết nối