Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Canada giảm nhập cư vì kinh tế gặp khó

(SGTT) - Nhiều sinh viên quốc tế chọn Canada làm điểm đến vì nước này có chính sách nhập cư tương đối dễ thở; sinh viên sau khi ra trường có thể xin ở lại Canada vài ba năm với giấy phép lao động đầy đủ. Sau đó họ có thể làm hồ sơ xin “thẻ xanh”, tức được cấp quy chế thường trú nhân và sau vài năm có thể xin nhập quốc tịch Canada. Thế nhưng Chính phủ nước này đang thay đổi chính sách nhập cư, tạo ra sự hụt hẫng cho hàng triệu sinh viên bị mắc kẹt trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay có gần 3 triệu người nước ngoài đang cư trú ở Canada dưới một dạng tạm trú nào đó, trong số này có đến 2,2 triệu người vừa mới đến trong vòng hai năm qua. Cư dân tạm trú hiện đang chiếm 6,8% trong tổng dân số 41,3 triệu người của Canada, tăng mạnh so với chỉ 3,5% vào năm 2022.

Sachindeep Singh là một người như thế. Anh đến Canada vào năm 2019 dưới dạng sinh viên quốc tế. Con đường anh dự định là vừa học vừa đi làm để tiến tới chỗ xin định cư thay vì trở về Ấn Độ sau khi học xong. Thế nhưng theo tường thuật của tờ New York Times, tháng trước khi đang lái Uber chở khách từ sân bay Pearson của Toronto vào thành phố như thường lệ thì đột nhiên ứng dụng Uber của anh bị khóa lại. Giấy phép làm việc của Singh vừa hết hạn đúng nửa đêm.

Dưới áp lực của công luận, Chính phủ Canada đang điều chỉnh chính sách nhập cư theo hướng siết lại, làm hàng triệu người như Singh lâm vào tình thế khó khăn. Kinh tế Canada đang tạo ra ít công ăn việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện ở mức 6%; với dân tạm trú, tỷ lệ này còn cao hơn, đến 14%.

Nhiều thành phố của Canada rơi vào khủng hoảng giá nhà ở, cung thấp hơn cầu nên giá nhà cứ liên tục tăng, rơi khỏi tầm tay của nhiều người dân Canada. Giá nhà nhìn chung đã tăng đến 66% tính từ năm 2015. Hệ thống y tế cũng quá tải ở nhiều tỉnh. Nhiều người đổ lỗi cho làn sóng nhập cư sau dịch Covid-19; dư luận xã hội ngày càng ít ủng hộ chính sách nhập cư dễ dãi như ngày trước.

Ngay từ đầu năm 2024, Canada công bố nhiều biện pháp hạn chế dân nhập cư, như cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế được vào Canada chừng 10% vào năm 2025 so với năm 2024, kéo dài qua năm 2026, hạn chế việc cấp giấy phép làm việc cho nhiều đối tượng, người sử dụng lao động ở các vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao từ 6% trở lên không được tuyển người nước ngoài...

Ngay trong năm 2024, Canada sẽ chỉ cấp 360.000 visa cho du học sinh, giảm 35% so với năm 2023. Những người đã được cấp giấy phép làm việc khi hết hạn có thể không được gia hạn. Mục tiêu Canada nhắm đến là giảm tỷ lệ người nước ngoài tạm trú ở Canada xuống còn 5% trong vòng ba năm.

Người dân Canada trước đây thường có cái nhìn khoan dung hơn các nước khác về vấn đề nhập cư, có lẽ cũng vì cứ 5 người dân Canada thì có 1 người sinh ra ở nước ngoài. Chính sách của Chính phủ Canada, kể cả dưới quyền lãnh đạo của đảng Bảo thủ hay đảng Tự do đều muốn thúc đẩy chuyện nhập cư nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, có thêm lực lượng lao động cho xã hội và tăng dân số bởi Canada đất rộng người thưa. Thế nhưng các khảo sát thăm dò dư luận gần đây cho thấy đã có sự thay đổi. Chẳng hạn, một thăm dò vào hồi tháng 8-2024 cho thấy đến hai phần ba người dân Canada cảm thấy chính sách nhập cư đang cho phép quá nhiều người đi vào nước họ.

Ở thành phố Brampton gần Toronto, nơi có nhiều sinh viên quốc tế, một cư dân địa phương nói rằng làn sóng những người mới đến kéo căng nguồn lực của thành phố. Chẳng hạn, cơ sở hạ tầng y tế ở đây, gồm một bệnh viện và một trung tâm y tế nhỏ là không đủ cho dân số đến 700.000 người. Nhiều chủ nhà cho sinh viên thuê phòng, thu được nhiều tiền hơn nhờ cho nhiều người ở hơn nên không mặn mà cho người dân địa phương thuê hoặc đẩy giá cho thuê lên cao.

Sachindeep Singh từng phải bỏ ra 40.000 đô la Canada để lấy một tấm bằng ngành quản lý văn phòng, khách sạn từ một trường đại học Canada. Nay khi giấy phép làm việc hết hạn, anh chỉ còn một số chọn lựa: quay lại nộp tiền học thêm một ngành khác để được làm việc hạn chế một số giờ trong tuần và chờ xin định cư; xin visa ngắn hạn, nhưng như thế thì không được làm việc hoặc cuối cùng là quay về Ấn Độ, một chọn lựa không mong muốn vì chi phí và công sức đã bỏ ra.

Nhiều người lo ngại sự chuyển hướng chính sách quá nhanh của Canada có thể đẩy nhiều người dân nhập cư vào tình thế ở lại Canada bất hợp pháp. Lúc đó họ chỉ có thể làm các công việc tay chân như người lau dọn vệ sinh, làm ở nhà kho hay trong bếp nhà hàng, dễ bị chủ o ép trả lương dưới mức tối thiểu. Dù sao những người như Singh, đến Canada do lời chào mời của nước này vào lúc đó, biết đâu vài năm nữa Canada lại thay đổi chính sách, mời một đợt di dân khác đến vì như Canada từng tuyên bố, chính sách với người lao động nước ngoài của họ co giãn như chiếc đàn accordion.

Nguyễn Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Sinh viên đăng ký làm lao động thời vụ năm...

0
(SGTT) - Theo trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cho quý 4 năm...

Người lao động từ chức có đồng nghĩa với xin nghỉ...

0
(SGTT) - Tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp với người lao động giữ các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp thường rất...

Hàng ngàn đoàn viên, người lao động tham gia Hội diễn...

0
(SGTT) - Ngày 21 đến 24-8, tại Nhà hát Thanh niên TPHCM, Công đoàn Viên chức TPHCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể...

Adecco: Ngày càng nhiều chuyên gia quốc tế tìm cơ hội...

0
(SGTT) - Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho lao động quốc tế, với ngày càng nhiều chuyên gia...

Nghiên cứu quy định giảm giờ làm việc xuống dưới 48...

0
(SGTT) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp...

Cần thêm nhân sự đa năng giúp phát triển giao thông...

0
(SGTT) - Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, cần phải đào tạo ra các thế hệ kỹ sư giao thông “mới”...

Kết nối