Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Du lịch biển vào mùa hè: coi chừng sứa lửa ‘tấn công’

(SGTT) -  Sau khi đi tắm biển, một số người dân trên địa bàn TPHCM đã bị sứa lửa đốt, dẫn đến tình trạng bỏng rát, sưng tấy... Đặc biệt, có trường hợp gặp biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, loét da hoặc thương tổn lan rộng khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Đi tắm biển: nhiều người bị loét da do sứa đốt

 Mùa hè là thời điểm các gia đình thường lựa chọn những địa điểm du lịch có biển để thoải mái vui chơi, cũng như “đánh bay” cảm giác nắng nóng hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời gian mà sứa sinh sản, phát triển mạnh mẽ tại một số khu vực biển như Vũng Tàu, Nha Trang, Thanh Hoá… Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại khi có nguy cơ tiếp xúc với sứa lửa khi đi du lịch biển. Có những trường hợp bị sứa cắn, gây ra các vết nổi mẩn khắp cơ thể, thậm chí từng có ca sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng điều hành Phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Da Liễu TPHCM, cho biết vừa qua, một nam bệnh nhân có tên X.A (47 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đã đến bệnh viện này khám trong tình trạng da vùng chân xuất hiện nhiều vết thương dài, mảng hồng ban sưng nề. Có những vùng da bị loét sâu kèm mủ vàng đục.

Bệnh nhân này cho biết cách đây vài ngày, ông đã đi tắm biển ở Vũng Tàu và bị sứa biển quất vào chân. Sau khi lên bờ, da vùng chân bên trái của bệnh nhân bị sưng nề, các đường lằn dọc theo vết quất chuyển màu đỏ phồng rộp và nổi bóng nước.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân K.T (55 tuổi, ngụ tại Phan Thiết) cũng đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM khám trong tình trạng da ở cánh tay phải có nhiều vùng da bị bỏng sứa (viêm da tiếp xúc dị ứng), nổi những mảng hồng ban, sưng phù kèm những chỗ bị loét, chảy mủ và hoại tử. Bệnh nhân này chia sẻ trước đó vài ngày, bà đã đi tắm biển và bị sứa lửa “tấn công”.

Bác sĩ Nhi cho biết từ đầu hè đến nay, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng sứa (viêm da tiếp xúc do sứa biển). Những trường hợp bệnh nhân đến sớm, được bác sĩ điều trị kịp thời bằng các thuốc uống và thoa đặc hiệu giúp phục hồi nhanh chóng tình trạng viêm da.

Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân tự điều trị dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, loét da hoặc thương tổn lan rộng điều trị khó khăn hơn. Có trường hợp phải dùng thuốc toàn thân như kháng sinh, kháng viêm mạnh… mới kiểm soát được.

Sau khi tiếp xúc với sứa lửa, nhiều bệnh nhân bị viêm, nổi mảng hồng ban, sưng phù, loét, chảy mủ và bắt đầu hoại tử. Ảnh: BVCC

Sứa lửa đốt, xử lý ra sao?

Về dấu hiệu nhận biết, bác sĩ Nhi cho biết sứa biển có chứa nhiều nọc độc có thể gây ra tình trạng sưng tấy, ngứa ngáy, thậm chí là loét da và hoại tử nếu không được xử lý kịp thời. Khi bị sứa lửa đốt, bệnh nhân thường có cảm giác đau nhói dữ dội như bị kim đâm hoặc roi quất vào da, thường xuất hiện ngay lập tức sau khi tiếp xúc với xúc tu của sứa.

Ngoài ra, vùng da bị sứa lửa đốt sẽ nhanh chóng nổi mẩn đỏ, sưng và có thể lan rộng ra các khu vực xung quanh. Vùng da tiếp xúc bị ngứa rát và có thể kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.

Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng toàn thân như buồn nôn và nôn, khó thở, tăng nhịp tim… Do đó, việc theo dõi người bị sứa lửa tấn công là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm, đồng thời không nên tự ý điều trị cho bệnh nhân.

“Các biến chứng có thể gặp khi bị sứa quất như loét da, tăng sắc tố sau viêm, mất sắc tố sau viêm, sẹo xấu, sẹo phì đại, sẹo lồi ở vùng da bị sứa cắn có thể hạn chế nếu được xử lý và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nhi nói thêm.

Chuyên gia da liễu này đưa ra bốn khuyến cáo để sơ cứu khi bị sứa lửa đốt. Thứ nhất, người dân nên nhanh chóng rửa sạch vùng da tiếp xúc với sứa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý; đồng thời sử dụng nhíp hoặc đeo găng tay để loại bỏ cẩn thận các xúc tu sứa còn bám trên da. Bác sĩ lưu ý không dùng tay trần vì có thể bị dính nọc của sứa và làm lây lan vùng da bệnh.

Thứ hai là người bị sứa lửa đốt nên dùng khăn lạnh hoặc túi chườm đá chườm lên vết thương trong 20 phút để giảm đau và sưng tấy, nhưng cần tránh chườm trực tiếp đá lên da vì có thể gây bỏng lạnh.

Thứ ba, người dân nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn. Trường hợp có dấu hiệu bị đốt toàn thân, lập tức đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.

Cuối cùng, mọi người không được tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, đắp lá, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Bởi những hành động này có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng vùng da bị sứa đốt.

Cách phòng sứa lửa đốt khi đi biển:1. Tránh tắm biển hoặc tham gia các hoạt động dưới nước ở những khu vực có sứa lửa: Tham khảo thông tin dự báo về nguy cơ xuất hiện sứa lửa trước khi đi biển.2. Mặc quần áo bảo hộ khi tắm biển: Mặc quần áo bơi dài tay, quần dài và vớ chân khi tắm biển để che chắn da khỏi nọc độc của sứa lửa3. Biết cách sơ cứu khi bị sứa lửa quất như rửa sạch vết thương, loại bỏ xúc tu của sứa, chườm lạnh, theo dõi các dấu hiệu và đến khám tại các cơ sở y tế khi các triệu chứng nặng lên.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Saigontourist và Genesis Group ký kết hợp tác thúc đẩy du...

0
(SGTT) - Ngày 23-11, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) và Tập đoàn Genesis Group đã ký...

Hàng chục ngàn khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu...

0
(SGTT) - Sáng nay (9-11), tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã đón hơn 2.800...

Bức tranh du lịch Việt Nam 10 tháng năm 2024

0
(SGTT) - Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong 10 tháng qua. So với cùng kỳ năm...

Tàu du lịch biển đưa hơn 5.800 du khách quốc tế...

0
(SGTT) - Trong ba ngày (từ ngày 25 đến 27-10), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón hơn 5.800 du khách quốc tế...

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là Đại sứ Du lịch...

0
Cục Du Lịch Đài Loan tại Việt Nam thông báo sự kiện họp báo công bố Đại sứ Du lịch Đài Loan diễn ra...

TPHCM: cảnh báo nguy cơ mắc bệnh ngoài da ở trẻ...

0
(SGTT) - Theo các bác sĩ da liễu, thời gian gần đây, khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều là cơ hội cho những...

Kết nối