(SGTT) - Di tích kiến trúc nghệ thuật trường THPT Marie Curie, đình Xuân Hòa ở quận 3 hay di tích lịch sử khu lăng mộ Phan Châu Trinh tại Tân Bình… là những nơi du khách có thể ghé thăm khi vi vu cùng tuyến xe buýt 152 - đi từ khu dân cư Trung Sơn đến sân bay Tân Sơn Nhất.
- Buýt vi vu: Khám phá quận 8 cùng buýt số 46
- Buýt vi vu: Thăm nhà thờ màu hồng trăm tuổi, chợ đồ cổ cùng buýt 31
- Buýt vi vu: Cùng buýt 39 thăm chợ Hòa Bình, khu nhà cổ Hải Thượng Lãn Ông
Di tích kiến trúc nghệ thuật trường THPT Marie Curie
Trường THPT Marie Curie tọa lạc tại số 159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Công trình được đánh giá là một trong những ngôi trường có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Nổi bật với nét cổ điển, tiêu biểu cho phong cách Pháp và lối trang trí mang hơi hướng Á Đông, trường THPT Marie Curie khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Phía cổng chính, ngay trước khu học đường là khuôn viên nhỏ với bức tượng nhà khoa học Marie Curie đặt trang trọng ở giữa. Ngôi trường được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2015.
Trạm dừng: Pasteur – Điện Biên Phủ
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1999, trên cơ sở nâng cấp từ Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, bảo tàng tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1885 – 1890, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế theo phong cách nghệ thuật tân cổ điển của kiến trúc phương Tây, kết hợp với kiến trúc phương Đông. Bảo tàng là nơi nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người của Thành phố Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trạm dừng: Pasteur – Lê Thánh Tôn
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật ở TPHCM. Theo trang thông tin UBND quận 3, chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 6.000m², sát đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Kiến trúc chùa theo lối cổ miền Bắc Việt Nam, là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính là tam quan, tòa nhà trung tâm và các bảo tháp. Ngôi chùa là nơi được nhiều người trong và ngoài nước, đến viếng và cúng bái.
Trạm dừng: Chùa Vĩnh Nghiêm
Đình Xuân Hòa
Đình Xuân Hòa tọa lạc tại số 129 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2003. Tiền điện công trình được xây dựng kiểu nhà ba gian, gồm tường gạch, cột, kèo mái, đòn tay… và mái lợp ngói âm dương. Chính điện của đình được xây dựng kiểu tứ trụ giống như kiến trúc của tòa nhà võ ca với các kiến trúc gỗ như cột, kèo mái, xà, đòn tay…
Trạm dừng: Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng
Lăng mộ Phan Châu Trinh
Lăng mộ nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872 - 1926) nằm tại số 9 Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình, nằm trên khu đất rộng trên 2000m², khá yên tĩnh, thoáng mát vì bao phủ nhiều cây xanh. Khu vực lăng mộ còn có đền thờ và phòng lưu niệm trưng bày hình ảnh, hiện vật và tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh. Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1994.
Trạm dừng: Quán Vườn Dừa – Công viên Hoàng Văn Thụ
Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập
Tọa lạc tại trung tâm thành phố, Dinh Độc Lập mang dáng vẻ vừa cổ kính, vừa hiện đại, từ lâu đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng bậc nhất TPHCM. Dinh có tổng cộng 4 tầng, tất cả đều đi bằng thang bộ. Du khách sẽ được tham quan các phòng như hội nghị, đọc sách, thư viện... Bên cạnh đó, du khách cũng nên ghé thăm tầng hầm và sân thượng. Từ sân thượng, khách tham quan có thể chụp được những bức ảnh bao quát không gian của Dinh.
Trạm dừng: đường Lê Duẩn