(SGTT) - Đặc phái viên khí hậu của chính phủ Mỹ, John Podesta cho biết, Mỹ đang xem xét xây dựng hệ thống định giá carbon đối với hàng nhập khẩu. Động thái này được xem là nỗ lực phản ứng với sự cạnh tranh công nghiệp của Trung Quốc đồng thời giúp cắt giảm khí thải nhà kính.
- Châu Âu dẫn dắt làn sóng ‘thép xanh’ nhờ thuế carbon mới
- Nhà đầu tư Phố Wall lạc quan về thị trường bù đắp carbon
Trong cuộc trao đổi mới đây với tờ Financial Times, ông John Podesta nói rằng, Mỹ sẽ chống lại tình trạng các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa công nghiệp phát thải nhiều carbon sang Mỹ mà không chịu bất cứ chi phí liên quan nào.
“Chúng tôi sẽ không nhường nền tảng công nghiệp của chúng tôi cho những nhà sản xuất nước nước ngoài đang phát thải nhiều carbon. Hệ thống thương mại toàn cầu hiện này không tính đến lượng carbon có trong các hàng hóa mua bán trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng thu thập dữ liệu sâu hơn mà chúng tôi cần để thực hiện khung chính sách cho vấn đề đó”, ông nói.
Ông cho biết thêm, Mỹ sẽ quyết định sẽ làm gì đối với carbon trong các mặt hàng được giao dịch rộng rãi, đặc biệt là thép, nhôm, xi măng, thủy tinh, phân bón.
Chính phủ Mỹ lo ngại các mặt hàng nhập khẩu có lượng thải cao trong quá trình sản xuất sẽ gây bất lợi lớn cho các nhà sản xuất công nghiệp ở trong nước, vốn phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Mối lo ngại này xuất hiện khi Liên minh châu Âu (EU) triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nhằm đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu trong sáu lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Động thái của EU có thể tạo ra động lực để các nước khác giới thiệu hệ thống định giá carbon của riêng họ. Có nghĩa là thay vì để Brussel thu tiền thuế carbon, họ có thể tự thu tiền thuế này.
Trung Quốc được cho là đang xem xét mở rộng phạm vi hệ thống giao dịch phát thải (ETS) sang các ngành công nghiệp mới bao gồm xi măng và thép, đồng thời cho phép giá giấy phép phát thải carbon tăng lên. Hiện nay, hệ thống này mới chỉ áp dụng cho ngành điện. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đều đang trong quá trình giới thiệu ETS.
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Anh sẽ áp dụng cơ điều chỉnh biên giới carbon, tương tự như EU vào năm 2026. Hiện có 75 hệ thống định giá carbon đang hoạt động trên khắp thế giới, chi phối 24% tổng lượng khí thải toàn cầu.
“Điều chúng tôi hướng tới một hệ thống thương mại sạch trên trên toàn cầu. Cơ chế chính sách cụ thể mà chúng tôi áp dụng cần phải phản ánh một cách công bằng lượng carbon có trong hàng hóa được sản xuất”, ông Podesta nói.
Dù Mỹ chưa có quyết định nào về cơ chế chính sách cụ thể nhưng ông Podesta cho biết, đã có những cuộc thảo luận lưỡng đảng (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) về cách giải quyết vấn đề hàng hóa nhập khẩu có phát thải carbon cao.
Báo cáo của Trung tâm Niskanen, tổ chức tư vấn chính sách ở Washington cho biết, ngành công nghiệp Mỹ phát thải ít carbon hơn nhiều so với một số nước phát thải lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, nhưng lại tụt hậu so với EU.
Ông Podesta lưu ý, chính phủ Mỹ đã áp dụng phí liên bang đối với khí thải nhà kính methane. Đồng thời, bang California và một số bang khác đã triển khai các chương trình ETS cấp bang, tương tự như ETS của EU.
Tuy nhiên, vì Mỹ chưa xây dựng hệ thống định giá carbon trong nước, nên hàng xuất khẩu của Mỹ sang EU sẽ bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế carbon mới, theo quy định của CBAM. Nhưng nếu Mỹ quyết định áp dụng chính sách giống như CBAM đối với hàng nhập khẩu, điều này sẽ tạo ra động lực kinh tế mạnh mẽ để các nhà sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới phải nỗ lực cắt giảm khí thải.