Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Việt Nam là nơi khởi động dự án lúa carbon thấp ở ASEAN

(SGTT) - Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) vừa khởi động dự án Phát triển các hệ thống canh tác lúa hướng đến trung hòa carbon và an ninh lương thực ở các nước ASEAN. Dự án kéo dài 5 năm, ban đầu tập trung ở Philippines và Việt Nam, sau đó sẽ nhân rộng ra các nước trong khu vực.
Một cánh đồng lúa được rút nước để kìm hãm hoạt động của vi khuẩn tạo khí methane ở Philippines. Ảnh: Green Carbon

Phát triển các hệ thống canh tác lúa phát thải carbon thấp

Hôm 24-6, tại trụ sở của IRRI ở thành phố Los Baños (Philippines), các đại diện của IRRI, MAFF cùng các đối tác ra mắt dự án nói trên. Dự án, kéo dài từ năm 2024 đến năm 2029, là một phần quan trọng trong Chương trình Đổi mới lương thực và an ninh dinh dưỡng khu vực của ASEAN và Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR).

Ban đầu, dự án được triển khai ở Philippines và Việt Nam. Sau đó, dự án sẽ được nhân rộng khắp khu vực dựa vào nhu cầu nhằm áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững ở ASEAN.

Theo IRR, mục tiêu tổng thể của dự án là tập trung vào việc phát triển các hệ thống canh tác lúa có hàm lượng carbon thấp. Để đạt được mục tiêu này, các điểm nóng phát thải sẽ được xác định thông qua đánh giá vòng đời của cây lúa, từ đó tìm ra phát triển các đổi mới để nâng cao năng suất và giảm phát thải. Các mục tiêu khác bao gồm phát triển chiến lược mở rộng các đổi mới này khắp ASEAN để bảo đảm an ninh lương thực và đạt mục tiêu trung hòa carbon trong dài hạn.

Dự án cũng kiểm tra các công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất lúa gạo. Điều này liên quan đến việc xây dựng một danh sách các công nghệ hứa hẹn, đánh giá hiệu suất của chúng.

Gạo là lương thực chính của nhiều nước châu Á, đóng góp hơn 20% nhu cầu calorie toàn cầu. Gạo giữ vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực nhưng cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Khí methane, loại khí nhà kính mạnh nhất từ các cánh đồng lúa gạo chiếm khoảng 11% tổng lượng phát thải toàn cầu

Theo tiến sĩ Joanna Kane-Potaka, Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược của IRRI, dự án là cột mốc mang tính chuyển đổi đối với ngành nông nghiệp trong khu vực ASEAN.

“Dự án là nỗ lực hợp tác nhằm tích hợp tính bền vững vào canh tác lúa gạo. Đây là bước đi quan trọng hướng tới giảm tác động môi trường của ngành nông nghiệp”, bà Joanna Kane-Potaka nói.

Teruya Sakaida, đại diện của MAFF cho biết, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tham gia nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống nông sản thực phẩm ASEAN trước biến đổi khí hậu.

“Tôi tin tưởng vào năng lực nghiên cứu, phát triển và truyền thông của IRRI trong việc cung cấp và nhân rộng thành công các hệ thống trồng lúa phát thải carbon thấp”, ông nói.

Cung cấp công nghệ giảm phát thải cho ruộng lúa

Trong một diễn biến khác, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin, hôm 26-6, Bộ Nông nghiệp của Nhật Bản và Philippines nhất trí thỏa thuận chia sẻ tín chỉ carbon bằng cách giảm lượng khí thải methane từ các cánh đồng lúa ở Philippines dựa vào công nghệ của Nhật Bản.

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ cung cấp công nghệ giúp thoát nước và để đất tiếp xúc với oxy một cách thường xuyên trên các ruộng lúa nhằm kìm hãm hoạt động của vi khuẩn tạo khí methane.

Các cánh đồng lúa chiếm 48% lượng khí thải nhà kính từ các vùng đất trồng trọt trên toàn thế giới. Trong đó, khí methane được coi là thủ phạm chính. Công nghệ làm ướt và làm khô luân phiên của Nhật Bản dự kiến giúp cắt giảm 35% lượng khí thải methane từ các ruộng lúa, đồng thời giúp tăng hơn 20% sản lượng thu hoạch.

Trước đây, Nhật Bản đã cung cấp công nghệ này cho các nước đối tác theo cơ chế chia sẻ tín chỉ carbon song phương. Tuy nhiên, đây là dự án chia sẻ tín chỉ carbon đầu tiên của MAFF trong lĩnh vực nông nghiệp của Philippines. Cho đến nay,  Nhật Bản đã ký thỏa thuận chia sẻ tín chỉ carbon với 29 nước gồm Việt Nam.

Tờ Yomiuri Shimbun cho biết thêm, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines và Việt Nam phương pháp tưới tiêu gián đoạn, bao gồm việc làm ngập nước và làm khô cánh đồng lúa nhiều lần để giúp giảm khí thải. Sau đó, Nhật Bản sẽ nhận một phần lượng khí thải nhà kính cắt giảm được dưới dạng tín chỉ carbon.

Các tín chỉ này sẽ được bán cho các công ty trong và ngoài nước tham gia vào nỗ lực khử carbon. Một phần số tiền thu được từ việc bán tín dụng sẽ được trả cho nông dân địa phương. Các cuộc thử nghiệm công nghệ của Nhật Bản trên các cánh đồng lúa ở Việt Nam cho thấy, khí thải methane trên một đơn diện tích giảm khoảng 40% và sản lượng gạo tăng thêm khoảng 20%.

Chính phủ Nhật Bản và các cơ quan khác ước tính, lượng phát thải khí nhà kính hàng năm có thể giảm ở các cánh đồng lúa sẽ vào khoảng 3,2 triệu tấn ở Philippines và 14 triệu tấn ở Việt Nam. Giá trị thị trường của các tín chỉ carbon tín nhờ lượng phát thải cắt giảm ở hai nước này mỗi năm khoảng 20 tỉ yen (124 triệu đô la Mỹ).

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường tín chỉ carbon hiện ra sao ở các nước...

0
(SGTT) - Thị trường tín chỉ carbon ở ASEAN đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, tuy nhiên tốc độ và quy...

Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận...

0
(SGTT) - Trong thời gian tới, 8.000 hộ nông dân trồng mía cho Lasuco sẽ có thêm một nguồn thu nhờ bán tín chỉ...

Ai đang bán nhiều tín chỉ carbon nhất ở Việt Nam?

1
(SGTT) – “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát...

Nông dân có thể dùng điện thoại để tính toán phát...

0
(SGTT) - Chỉ với những thao tác trên điện thoại, người nông dân có thể dễ dàng theo dõi sự phát triển của lúa...

Lúa phát thải thấp dần xóa bỏ những nghi ngại

0
(SGTT) - Mô hình của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng...

Doanh nghiệp phát thải carbon cao đối mặt với chi phí...

0
(SGTT) - Những doanh nghiệp nằm trong nhóm phát thải carbon lớn nhất ở châu Âu đang phải trả lãi suất cao hơn trên...

Kết nối