(SGTT) - Các hãng ô tô và nhà nhập khẩu ngày càng gia tăng đưa các dòng xe điện ra thị trường trong nước. Tuy nhiên, để thị trường cho dòng xe này phát triển thì phải đầu tư hạ tầng trạm sạc pin công cộng nhiều hơn nữa.
- Cần hơn 12 tỉ đô để xây hạ tầng cho xe điện đến 2040
- Các nhà điều hành trạm sạc xe điện của Trung Quốc chật vật tìm kiếm lợi nhuận
Xe điện nối đuôi nhau đổ bộ thị trường Việt Nam
Chỉ trong tháng 6 này, thị trường ô tô điện chứng kiến sự ra mắt chính thức cũng như “nhá hàng” của 3 thương hiệu và tất cả đều nhập khẩu nguyên chiếc.
Mới nhất là Audi Việt Nam cho trình làng mẫu SUV điện cỡ trung Q8 e-tron với giá 3,8 tỉ đồng. Mang đến năng lượng cho Audi Q8 e-tron 55 quattro là hệ thống pin điện Lithium-Ion, có mức dung lượng 114 kWh, có thể di chuyển đến 582 km cho một chu kỳ sạc (theo WLTP).
Trong khi đó liên doanh Morris Garages-SAIC Motor (MG) hồi đầu tháng này đã giới thiệu mẫu xe thuần điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới của hãng trong quá trình điện hóa dải sản phẩm.
MG EV tại Việt Nam với mức giá bán lẻ 828-948 triệu đồng cho 2 phiên bản DEL và LUX, cao hơn đối thủ cùng phân khúc là VinFast VF6 (675-765 triệu đồng) hay e34 (710-900 triệu đồng).
Đáng chú ý là hãng ô tô điện BYD tuần vừa qua đã khởi động sự hiện diện ở thị trường Việt Nam bằng sự kiện tổ chức lái thử xe tại TPHCM. Diễn ra trong 5 ngày, người tiêu dùng lái thử 3 dòng sản phẩm chủ lực của hãng gồm Seal (sedan), Dolphin (hatchback) và Atto 3 (SUV đô thị).
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam, chia sẻ đây là sự kiện tiếp theo của BYD trong hành trình hãng làm quen với thị trường Việt Nam.
“Có thể ra mắt hơi muộn ở Việt Nam, nhưng chúng tôi luôn xem đây là thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng của BYD ở ngoài Trung Quốc”, ông nói, và nhận định: “Với hơn 100 triệu dân, Việt Nam tập trung nhiều người dùng trẻ, nhóm khách hàng luôn quan tâm, đón nhận các công nghệ mới, đặc biệt là ý thức về bảo vệ môi trường hay xây dựng tương lai bền vững”. BYD kỳ vọng xây dựng cả một hệ sinh thái sản phẩm với đa dạng các dòng xe và phân khúc.
Với tình hình hiện tại, các chuyên gia ô tô dự đoán trong năm nay, mẫu xe điện hóa sẽ chiếm sóng với những sản phẩm mới khi những cái tên đầy tiềm năng như Xpander HEV và Xpander Cross HEV dự kiến sẽ sớm xuất hiện tại thị trường Việt sau khi đã được giới thiệu tại Thái Lan.
Ở phân khúc xe sang, Volvo Việt Nam cũng có thể sẽ chào đón những mẫu xe mới với sự góp mặt của EX30 hoặc C40 Recharge…
Có thể nói sự xuất hiện ngày càng nhiều ô tô điện trên đường phố cho thấy xu hướng lựa chọn ô tô của người dân từ xe hơi truyền thống dần sang xe điện.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI công bố cũng chỉ ra rằng thị trường xe điện Việt Nam tuy nhỏ nhưng đầy tiềm năng tăng trưởng. SSI cho rằng xe điện đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam (ước tính chiếm 6% doanh số tiêu thụ xe du lịch trong 2023).
Dữ liệu của BMI Research cũng chỉ ra rằng sản lượng tiêu thụ ô tô điện sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023-2032, tương đương với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 65.000 xe vào năm 2032.
Ô tô điện bắt đầu được nhắc đến nhiều tại Việt Nam sau khi VinFast chính thức trình làng mẫu xe thuần điện đầu tiên VF e34 vào cuối năm 2021. Kể từ thời điểm đó, thị trường ô tô điện dần định hình và ghi nhận lượng tiêu thụ liên tục tăng trưởng.
Hơn 2 năm qua, các thương hiệu cũng lần lượt đưa các dòng xe điện vào Việt Nam. Thị trường xe điện đang tăng trưởng khá nhanh với hàng chục thương hiệu cao cấp đến phổ thông, nhưng đa phần là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
VinFast là hãng xe duy nhất lắp ráp sản xuất và kịp lấp đầy dải sản phẩm, bao gồm: VF5, VF6, VF7, VF8 và VF9; trải dài mọi phân khúc cũng như mức giá, tập trung vào kiểu dáng crossover.
Hay mẫu ô tô thuần điện Ioniq 5 được liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Ninh Bình vào năm ngoái. Đây cũng là liên doanh hiếm hoi tham gia lắp ráp xe điện ở Việt Nam. Các hãng còn lại chỉ cho nhập khẩu xe nguyên chiếc để thăm dò thị trường.
Trong khi đó, thị trường hơn 100 triệu dân lại đang chứng kiến sự tham gia và cam kết đầu tư nhà máy của các hãng ô tô điện từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng 12 tháng nay, có tới 5 thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đến Việt Nam, phủ khắp các phân khúc từ xe mini đến xe SUV, MPV.
Xu hướng cho thấy các thương hiệu xe điện Trung Quốc hợp tác liên doanh với công ty tại Việt Nam để triển khai hoạt động từ sản xuất đến phân phối với quy mô lớn lên hàng trăm triệu đô la/dự án.
Trạm sạc quyết định thị trường
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô từng nhiều năm làm việc cho hãng Volkswagen (Đức), cho rằng vấn đề quan trọng nhất của xe điện là pin, tiếp đến là hệ thống trạm sạc. Với xe điện, trạm sạc là yếu tố cơ bản quyết định đến thành bại trong chiến lược phát triển của các hãng ô tô.
Trên thực tế hiện nay, các câu hỏi “sạc như thế nào, sạc ở đâu…?” gần như là vấn đề sống còn của một thương hiệu xe điện ở Việt Nam.
Nhìn ra thế giới, hãng xe nào đầu tư được hạ tầng trạm sạc đáp ứng được nhu cầu người dùng sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Đơn cử hãng xe điện Tesla, ra đời sớm và đến năm 2023, Tesla chiếm hơn 60% thị trường xe điện tại Mỹ. Tốc độ tăng trưởng mạng lưới sạc ngày một nhanh với gần 18.000 trạm tại Mỹ.
Tại Việt Nam, nhiều hãng xe hơi đưa xe điện vào thị trường nhưng số lượng trạm sạc rất ít và hầu như chỉ tập trung ở TPHCM và Hà Nội. Điều này khiến nhiều người cân nhắc “tậu” xe điện khi nghĩ đến việc di chuyển trên đường, nhất là đi lại giữa các tỉnh, thành.
Chỉ duy nhất VinFast là thương hiệu xe điện Việt Nam đã đầu tư hệ thống mạng lưới trạm sạc trải dài khắp cả nước với khoảng 160.000 cổng sạc các loại.
Trong khi đó, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vingroup, CEO VinFast nói rằng VinFast hiện đang muốn độc quyền trạm sạc tại Việt Nam, một phần để phát triển doanh số và phổ biến các dòng xe điện của thương hiệu. Sau 10 năm nữa, hãng mới chia sẻ trạm sạc VinFast cho các hãng dùng chung.
Có thể hiểu, các hãng xe khác sẽ sử dụng hệ thống sạc công cộng của bên thứ ba tại Việt Nam như EverCharge, EVN, Eboost, Charge+, EV One, DatCharge… Tuy nhiên, số lượng trạm sạc này chỉ là con số vài trăm nên tính tiện ích còn kém xa VinFast.
Để đạt được mật độ dày đặc như trạm sạc của VinFast, các công ty cung cấp dịch vụ sạc xe điện và nhà kinh doanh sẽ cần có thời gian dài bằng số năm và phải có nguồn vốn lớn.
Các thương hiệu như Audi, Porsche hay Mercedes-Benz… vẫn có trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn ít, chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng.
Đây cũng là điều khiến nhiều người muốn sở hữu ô tô điện còn lo ngại vì hạ tầng các trạm sạc của các hãng này còn hạn chế. Các chuyên gia cho rằng lúc này, rất cần thiết có chính sách ràng buộc các hãng xe, nhà nhập khẩu, sản xuất ô tô điện tại Việt Nam cùng đầu tư hạ tầng trạm sạc, gia tăng tiện ích cho khách hàng.
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng cho rằng chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia ước tính chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỉ đô la đầu tư và 14 tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024-2040.
Ngoài thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, SSI còn chỉ ra những điểm yếu của xe điện so với xe xăng truyền thống như: giá cả, phạm vi hoạt động trong 1 lần sạc, và thiếu trung tâm dịch vụ sửa chữa.
Trước thực trạng này, SSI cho rằng Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hơn để kích thích nhu cầu, bên cạnh mức giảm 12% thuế suất tiêu thụ đặc biệt và miễn phí trước bạ đối với xe điện.
Trong khi đó, người tiêu dùng đặt dấu hỏi về chất lượng, chính sách sau bán hàng ô tô điện. Dù hiện nay đã có 52 tiêu chuẩn quốc gia cho xe điện, trạm sạc, thiết bị liên quan và 5 bộ quy chuẩn kỹ thuật riêng cho xe điện nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các bộ tiêu chuẩn này chưa bao quát hết vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện. Điều này khiến nhiều người lo ngại ô tô điện kém chất lượng sẽ tràn vào Việt Nam, như bài học xe máy trước đây.