Ngọc Hùng
Người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn khi một số nước thuộc Liên minh châu Âu đang tìm cách đưa nhiều loại thịt vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, những người chăn nuôi trong nước đang cảm thấy lo, bởi họ đã một phen khốn đốn khi thịt nhập khẩu có giá rẻ hơn tràn ngập các siêu thị, thậm chí len lỏi tới tận các quán ăn vỉa hè.
Sau Canada đến Ba Lan
Trong khuôn khổ Hội chợ Food và Hotel Việt Nam 2015 diễn ra từ ngày 21 đến 23-4 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM), Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp (UPEMI) đã tổ chức buổi hội thảo mang chủ đề “Truyền thống và chất lượng thịt châu Âu”, qua đó giới thiệu sản phẩm thịt heo, bò của các doanh nghiệp tại châu lục này.
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng do khoảng cách từ châu Âu đến Việt Nam xa nên các nhà sản xuất thịt heo, bò của châu Âu sẽ không thể cạnh tranh với thịt bò tươi nhập nguyên con từ Úc. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn sẽ diễn ra như vậy.
Một số người trong ngành cho biết, thế mạnh của các nước châu Âu là công nghệ bảo quản, nên mỗi ký thịt heo, bò có thể bảo quản trong 18 tháng ở điều kiện đông lạnh. Đây chính là “vũ khí” mà các doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Ba Lan, tự tin rằng sản phẩm thịt của họ sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp của EU được cấp phép xuất khẩu thịt heo, bò vào Việt Nam, trong đó doanh nghiệp Ba Lan chiếm 40%. Ngoài ra, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada, ông Gerry Ritz, cũng đã dẫn theo một nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò, thịt heo Canada đến TPHCM để xúc tiến thương mại. Các nhà hàng, khách sạn là nhóm khách hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp này nhắm đến.
Hiện tại, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ các nước như Úc, Mỹ hay Hàn Quốc đã được bày bán khá nhiều trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM. Và trong thời gian tới, nhiều khả năng là người tiêu dùng sẽ có thêm nguồn thịt nhập khẩu từ các nước thuộc Liên minh châu Âu để lựa chọn.
Sức ép gia tăng
Trên trang chủ của Liên minh châu Âu là http://ec.europa.eu có đề cập đến số lượng và giá trị xuất khẩu thịt heo đông lạnh mà EU xuất sang Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, giá xuất khẩu bình quân khoảng 1,1 euro/kg, tương đương khoảng 30.000 đồng/kg vào thời điểm giữa năm.
Tuy nhiên, cùng với sự giảm giá của đồng euro, giá thịt heo của các nước EU ngày càng rẻ hơn. Ngày 20-4, giá euro so với đồng Việt Nam dao động quanh mức 24.000 đồng/euro. Doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo vào thời điểm này chỉ phải trả chưa đến 27.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của người chăn nuôi trong nước đang cao gấp 1,5 lần so với giá nhập khẩu.
Hiện thuế nhập khẩu thịt heo, thịt bò đông lạnh vào Việt Nam khoảng 15-20%. Song, dù có tính thêm thuế nhập khẩu, vào thời điểm này thịt nhập từ EU vẫn đang rẻ hơn so với thịt trong nước.
Hiện Việt Nam và EU đang đàm phán hiệp định thương mại tự do, theo đó hai bên sẽ có lộ trình cắt giảm thuế cho nhiều mặt hàng và có thể giảm về mức bằng 0%.
Tổ chức UPEMI nói trên cho rằng, thường giá bán một mặt hàng nào đó phụ thuộc khá nhiều vào mức thuế của quốc gia nhập khẩu. Một khi thuế nhập khẩu giảm, khi hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam có hiệu lực trong tương lai, giá thịt heo từ châu Âu nhập vào Việt Nam sẽ giảm tương ứng.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, về lâu dài, đây là một bất lợi với ngành chăn nuôi trong nước. Lúc đó, người chăn nuôi trong nước khó có thể cạnh tranh với thịt nhập khẩu. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể sẽ bị xóa sổ vì không thể cạnh trạnh.