(SGTT) - Thời gian qua, hoạt động du lịch tại huyện Châu Thành, Bến Tre đang được mở rộng về quy mô và số lượng, giúp thu hút nhiều du khách đến tham quan và vui chơi. Tuy nhiên, sự phát triển còn mang tính tự phát, phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội.
Ngày 7-6, tại Khu du lịch Cồn Phụng, huyện Châu Thành, Bến Tre đã diễn ra hội thảo "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành". Hội thảo do UBND huyện Châu Thành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu và khách mời đã có nhiều ý kiến đánh giá và kiến nghị để hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn Châu Thành phát triển hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, con người nơi đây.
Vẫn còn những tồn tại
Châu Thành có vị trí đặc biệt thuận lợi để phát triển du lịch, nơi đây có gần 38km bờ sông Tiền và gần 30km bờ sông Ba Lai và sông Hàm Luông, do đó tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, gắn liền với sông nước, miệt vườn.
Ông Phạm Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, Châu Thành có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch sông nước, lượng du khách đến địa phương tăng bình quân khoảng 14% mỗi năm.
“Du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm đi đò lớn trên sông, chèo xuồng trong các con rạch, tham quan vườn cây ăn trái, các di tích, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương, tham quan các làng nghề thủ công như nghề làm kẹo, nem chua, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa ”, ông Sang, nói.
Trong năm 2023, du lịch Châu Thành đón khoảng 1 triệu lượt khách, hiện có khoảng 43 cá nhân, tổ chức trên địa bàn tham gia kinh doanh du lịch nhưng chủ yếu tập trung ở các xã ven sông Tiền như Tân Thạch, Phú Túc, Quới Sơn, An Khánh, Tân Phú), các cù lao trên sông như: cồn Phụng (xã Tân Thạch), cồn Quy (xã Tân Thạch và Quới Sơn)… và sông Hàm Luông như xã Tân Phú và Tiên Thủy. Trong đó hai xã Tân Thạch, An Khánh và Tân Phú hiện có số lượng cơ sở kinh doanh du lịch nhiều nhất là 28 cơ sở.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mặc dù du lịch đang đem lại nguồn lợi lớn cho phát triển của địa phương, tuy nhiên tình trạng suy thoái về môi trường ở huyện vẫn là một trong những thách thức lớn. Việc phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đôi lúc chưa chặt chẽ.
Thực tế, đa phần là các khách sạn, nhà hàng, các điểm ăn uống có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đúng quy chuẩn về nước thải sinh hoạt chẳng hạn như không có bể tách mỡ, bể chứa không đúng quy cách, không tuân thủ nội dung cam kết.
Một khó khăn được đánh giá lớn nhất là tại một số khu du lịch, điểm du lịch ở các cồn ven sông, các điểm du lịch xa các tuyến đường chính là việc đăng ký thu gom và xử lý rác thải gặp khó khăn, các đơn vị này phải tự xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp không hợp vệ sinh.
Tham gia đoàn khảo sát các điểm du lịch tại huyện Châu Thành, ông Trương Đăng Anh Hưng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Công Đoàn Bình Dương cũng nhận xét: "Vấn đề du lịch còn tồn tại trên địa bàn là sự hạn chế về cơ sở vật chất như nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn và lối đi vào các điểm vẫn chưa sạch sẽ, còn rậm rạp. Một số xe máy của người dân địa phương bóp còi inh ỏi cũng là hành động gây khó chịu đối với du khách".
Con người là yếu tố then chốt
Du lịch nông nghiệp ở các địa phương hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng làm du lịch một cách manh mún, nhỏ lẻ, các dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm chưa đa dạng, thái độ đón tiếp khách du lịch chưa phù hợp… Người dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Những tồn tại này có thể khắc phục nếu những người dân làm du lịch được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm du lịch, phát triển kinh tế dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường.
Theo ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn: "Vấn đề nhân lực du lịch nông thôn đang là một "nút thắt" cần được tháo gỡ để phát triển ngành du lịch này một cách bền vững. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho người dân địa phương là giải pháp thiết yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Thay vì để người dân phát triển sản phẩm du lịch một cách tự phát cần hỗ trợ họ bằng cách tư vấn định hướng, giúp cho du lịch tại cộng đồng địa phương phát triển bền vững".
Ngoài ra, ông Toàn cũng đưa ra một số định hướng như ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường sử dụng tre, gỗ, gạch bùn, đặc biệt là cây dừa. Huyện Châu Thành là nơi có sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dụng cụ gia đình, đồ dùng văn phòng, vật dụng trang trí… từ cây dừa, vì vậy khi sử dụng những sản phẩm này trong dịch vụ ngoài việc tạo nên nét đặc trưng riêng cho du lịch địa phương, đây cũng là một giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Phan Thị Ngàn, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đưa ra ý kiến góp phần giúp du lịch địa phương phát triển bền vững, bà cho biết: "Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những cách tốt nhất, vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, sử dụng dịch vụ tại chỗ và tôn trọng tài nguyên về văn hoá, thiên nhiên địa phương".
Theo bà Ngà, du lịch cộng đồng là mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư địa phương là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Mô hình du lịch này người dân chính là chủ thể, từ đó giúp họ nhận ra vai trò của chính bản thân trong hoạt động du lịch. Mặt khác, du lịch cộng đồng cũng là một cách nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái, giúp người dân ý thức bảo vệ di sản văn hoá cộng đồng, chống các trào lưu du nhập.
Tại hội thảo, trong vai trò là doanh nghiệp có sản phẩm du lịch hướng đến bảo vệ môi trường, ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền Thông và Du Lịch C2T, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn (chương trình do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành) cũng chia sẻ, trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, du lịch cần quan tâm hơn đến việc tạo ra những sản phẩm ít tác động đến thiên nhiên.
"Hiện chúng tôi đang có tour du lịch Net zero. Điểm nhấn trong tour là việc du khách được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng các nông sản, mua đồ thủ công, mỹ nghệ ở của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm sẽ là những hành động bù đắp phát thải carbon của du khách khi tham gia tour du lịch này", ông Phong chia sẻ.
Ngoài yếu tố môi trường, muốn phát triển du lịch bền vững, theo một số ý kiến tại hội thảo huyện Châu Thành cần có sản phẩm du lịch hướng đến gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Ông Phan Văn Tú, Phó giám đốc Công ty du lịch Chủ đề chia sẻ: "Hiện các sản phẩm du lịch chưa có tính trải nghiệm nhiều đối với du khách, thay vào đó nên tận dụng những lợi thế để du khách được làm cùng với người dân chẳng hạn như tham gia chế biến các món ăn đặc sản... Một điều nữa là hiện các điểm đến vẫn chưa có nhiều điểm để chụp ảnh, mà thông thường du khách lại rất thích lưu lại những bức ảnh đẹp nơi mình đi qua".
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia và khách mời cũng đã nêu nhiều giải pháp khác nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến huyện. Theo nhận định của một số doanh nghiệp đến từ TPHCM, Châu Thành có một vị trí khá đẹp, thời gian tới khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành và đi vào hoạt động, Châu Thành sẽ có cơ hội được nhiều du khách tìm đến hơn nữa. Do vậy cần có những kế hoạch phát triển du lịch bài bản và tạo được những sản phẩm du lịch ấn tượng, độc đáo để không bỏ lỡ cơ hội này.
Hội thảo "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành" nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Văn hóa – Du lịch huyện Châu Thành lần 2, năm 2024 với chủ đề “Châu Thành – Điểm hội tụ du lịch xanh” diễn ra từ ngày 6-6 đến 11-6. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch hướng, tập trung khai thác du licgj có trách nhiệm đối với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, bản địa, đồng thời tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, cơ sở dịch vụ để giúp Châu Thành nói riêng và Bến Tre nói chung, là một điểm đến hấp dẫn tại Đồng bằng sông Cửu Long.