(SGTT) - Vi vu trên tuyến xe buýt số 10, du khách có thể dừng chân khám phá các điểm đến thú vị ở TPHCM như chợ Bình Tây, chợ Phùng Hưng, bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…
- Buýt vi vu: Ghé thăm những di tích kiến trúc nghệ thuật cùng buýt số 3
- Buýt vi vu: Cùng buýt 53 khám phá những bảo tàng tại TPHCM
- Buýt vi vu: Khám phá bảo tàng Áo dài, nhà thờ Tân Lập cùng buýt 88
Xe buýt số 10 đi từ bến xe Đại học Quốc gia TPHCM đến bến xe miền Tây và ngược lại. Tuyến xe hoạt động từ 4:45-21:00, với khoảng 100 chuyến/ngày. Xe đi qua các điểm nổi bật như chợ Bình Tây, chợ Phùng Hưng, trường THCS Hồng Bàng, Việt Nam Quốc tự, bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, công viên Lê Văn Tám và khu du lịch Văn Thánh.
Chợ Bình Tây
Chợ Bình Tây còn được biết với tên gọi là Chợ Lớn, được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 20. Chợ nằm trên khu đất có diện tích hơn 17.000m², theo lối kiến trúc Á Đông.
Hiện nay, chợ Bình Tây có trên 2.300 quầy sạp kinh doanh với hơn 30 nhóm ngành hàng, chuyên bán sỉ. Đến chợ Bình Tây, du khách vừa được ngắm nhìn kiến trúc cổ, tìm hiểu lịch sử của chợ và mua sắm với giá cả phù hợp. Nơi đây cũng là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách nước ngoài tại TPHCM. Chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2017.
Chợ Phùng Hưng
Chợ Phùng Hưng nằm trên đường Phùng Hưng, phường 14, quận 5, cách chợ Kim Biên khoảng 500m, cách chợ Bình Tây hơn 1km. Chợ Phùng Hưng còn được gọi là “chợ Thủ Đô”, do gần chợ có rạp hát Thủ Đô và khách sạn Thủ Đô từ xưa, nên người dân lấy tên “Thủ Đô” đặt cho ngôi chợ này.
Chợ hoạt động từ khoảng 4:00 đến 22:00, chia thành hai phiên, phiên sáng chủ yếu bán thực phẩm tươi sống, còn buổi chiều bán các món ăn đặc trưng của người Hoa như hủ tiếu xào, khổ qua cà ớt, há cảo, xíu mại.
Trường THCS Hồng Bàng
Trường THCS Hồng Bàng tọa lạc tại số 132 đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5. Trường được người Pháp xây dựng từ năm 1933, làm trường học nội trú cho con của những người Pháp đến Việt Nam làm việc.
Đến năm 1967, trường được bàn giao lại cho chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ, đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hồng Bàng. Sau năm 1975, Trung tâm Giáo dục Hồng Bàng được chính quyền cách mạng tiếp quản và thành lập Trường THCS Hồng Bàng cho đến nay. Trường THCS Hồng Bàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2015.
Việt Nam Quốc tự
Việt Nam Quốc Tự tọa lại số 244 đường Ba Tháng Hai, quận 10, được thành lập vào năm 1964. Trong khuôn viên chùa có nhiều công trình nổi bật như chính điện, cô nhi viện Quách Thị Trang, đặc biệt là tòa tháp Đa Bảo cao 13 tầng - nơi tôn thờ xá lợi của nhà sư Thích Quảng Đức.
Hiện nay, Việt Nam Quốc Tự là điểm lui tới của nhiều tín đồ Phật giáo xa gần và đông đảo các du khách khi đến với TPHCM.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tọa lạc tại số 202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, ra đời từ 1985. Tiền thân của bảo tàng là Nhà truyền thống phụ nữ Nam bộ, với mục đích hoạt động nhằm giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ miền Nam cho các thế hệ mai sau.
Hiện, bảo tàng đang quản lý trên 40.000 hiện vật và tài liệu khoa học. Tổng diện tích sàn khối nhà trưng bày khoảng 3.699m², trưng bày 27 chuyên đề cố định và nhiều trưng bày chuyên đề lưu động về lịch sử chống ngoại xâm và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc của phụ nữ miền Nam.
Công viên Lê Văn Tám
Công viên Lê Văn Tám nằm trên ba con đường lớn của TPHCM là Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng và Điện Biên Phủ. Nơi đây là chỗ rèn luyện thể dục thể thao quen thuộc của nhiều người dân xung quanh.
Với không gian ngoài trời rộng lớn, thoáng đãng, công viên Lê Văn Tám thường được lựa chọn tổ chức các sự kiện và hoạt động cộng đồng, có thể kể đến như Hội sách TPHCM, các sự kiện thương mại, giao lưu văn hóa hay hội chợ ẩm thực, du lịch.
Khu du lịch Văn Thánh
Khu du lịch Văn Thánh nằm tại số 48/10 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, nơi đây thích hợp để du khách cùng bạn bè, gia đình tận hưởng không khí làng quê trong lành vào những ngày cuối tuần.
Khuôn viên khu du lịch Văn Thánh rộng khoảng 7,7 héc-ta, phần lớn là diện tích hồ nước. Tại đây, du khách có thể chụp hình check-in ở các tiểu cảnh, tổ chức picnic trên bãi có hay thưởng thức các món ăn tại nhà hàng của khu du lịch.
“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho bạn đọc về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.