Mạnh Tùng
Chuyển hộ khẩu về TPHCM là một nhu cầu đối với những người đến thành phố học tập rồi sau đó ở lại làm việc, và lâu nay họ vẫn tìm cách này cách khác để được nhập khẩu. Mới đây, điều khiến nhiều người lao động nhập cư lo lắng là quy định về diện tích ở tối thiểu để một cá nhân muốn nhập hộ khẩu vào nhà ở thuê, ở nhờ vừa được đề xuất điều chỉnh tăng lên.
Nhờ “dịch vụ” lo hộ khẩu
Chị H.Q., 23 tuổi, quê ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vào TPHCM học cao đẳng điều dưỡng từ năm 2009. Ra trường, chị xin việc làm ở một phòng khám tư nhân; sau đó, năm 2012, nhờ mối quan hệ, chị xin vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở quận Bình Thạnh.
Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đối với ứng viên là phải có tạm trú (KT3) hoặc thường trú tại TPHCM. Nhờ quen biết một người đồng hương đang có nhà và hộ khẩu tại quận Bình Thạnh, chị Q. tìm cách nhập hộ khẩu vào nhà người quen này theo diện ở nhờ. Thông qua một người quen chuyên làm hộ khẩu, gọi nôm na là cò, sau ba tháng với nhiều lần chạy ngược chạy xuôi làm giấy tờ từ phường lên quận, chị Q. cuối cùng đã có hộ khẩu chính thức tại thành phố. “Hồi đó, tổng số tiền tôi đưa cho anh “cò” là khoảng 10 triệu đồng”, chị Q. cho biết.
Trong vai người cần nhập hộ khẩu vào TPHCM gấp để xin việc, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã liên hệ với ông N., người đã “chạy” hộ khẩu cho chị Q., và được ông này ra giá 30 triệu đồng cho một suất nhập hộ khẩu vào TPHCM. Ông N. cho biết, nếu đã có người bảo lãnh, tức là người đã có hộ khẩu tại TPHCM và đồng ý cho nhập khẩu theo diện ở nhờ, thì giá sẽ rẻ hơn khoảng 5 triệu đồng.
Với từ khóa “chạy hộ khẩu TPHCM” tìm kiếm trên mạng, một loạt các địa chỉ xuất hiện, trong đó nhiều người nhận làm hộ khẩu cấp tốc, với thời gian chỉ từ vài tuần đến một tháng. Mức giá để lo hộ khẩu thành phố cũng đủ loại, 10-20 triệu đồng, thậm chí có người hét đến 30 triệu đồng như trường hợp ông N. đề cập ở trên. Trên thực tế, nhu cầu nhập hộ khẩu của người dân các tỉnh đổ về TPHCM làm việc, sinh sống là khá lớn, mặc dù muốn vậy cần phải thỏa các quy định về điệu kiện đăng ký thường trú của thành phố.
Để đề xuất có tính khả thi
Vừa qua, Sở Xây dựng và Công an TPHCM đã trình UBND TPHCM quy định diện tích ở bình quân/người để được nhập hộ khẩu vào chỗ ở thuê, ở nhờ của cá nhân tại thành phố này. Theo đó, cá nhân muốn nhập hộ khẩu vào TPHCM thuộc diện ở thuê, ở nhờ phải thỏa điều kiện nơi ở có ít nhất 16 m2/người đối với các quận, còn tại các huyện thì phải đạt 8 m2/người.
Sở dĩ cơ quan chức năng đưa ra diện tích tối thiểu trên là do tổng diện tích nhà ở xây dựng mới tại TPHCM, tính đến thời điểm này, đã đạt khoảng 24,5 triệu m2 sàn xây dựng, với diện tích bình quân đạt 16,4 m2/người. Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, đề xuất diện tích tối thiểu 16 m2/người cũng gần tương đương với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một vị đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, đề xuất trên chưa thực sự hợp lý và cũng không thực tế. Việc di dân ồ ạt vào thành phố trong những năm qua của người dân các tỉnh là do sức hút của kinh tế tại đây quá lớn. Khi có hộ khẩu thành phố, người lao động nhập cư sẽ được hưởng các chính sách phúc lợi xã hội của một công dân thành phố, từ đó khuyến khích họ gắn bó và đóng góp nhiều hơn.
Tuy nhiên, phần lớn những người lao động nhập cư đang thuê nhà tại các quận với diện tích rất nhỏ, trung bình dưới 10 m2/người. Do vậy, diện tích được đề xuất trên vô tình đánh mất cơ hội được đăng ký thường trú của họ, vị đại biểu này nhận định.
Trong khi đó, với kinh nghiệm từng làm Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, ông Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng chính sách nhân khẩu không nên đóng khung và áp dụng cho tất cả các quận. Theo ông, với các quận đã đông dân cư như quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận, nên hạn chế việc nhập khẩu để giảm bớt áp lực dân số. Còn tại các quận đang phát triển, tập trung đông các khu công nghiệp, thu hút lao động các tỉnh như quận 12, Tân Phú, Bình Tân hay các huyện còn thưa dân thì nên có chính sách thu hút những người lao động có tay nghề để họ có hộ khẩu, gắn bó lâu dài với thành phố hơn. Theo ông Năm, chính sách về dân số và lao động quan trọng hơn những quy chuẩn áp đặt, hạn chế dân số.
Về góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật VNC (quận Bình Thạnh), cho rằng quy định diện tích tối thiểu nhà ở để nhập hộ khẩu với người ở thuê, ở nhờ là 5 m2/người đang được áp dụng hay nâng lên 16 m2/người theo đề xuất mới không khác nhau là mấy, nếu những người thuộc diện này tìm mọi cách để nhập khẩu.
Chẳng hạn, với một gia đình gồm ba người trong một căn nhà ở thuê có diện tích 32 m2, họ có thể xin nhập khẩu chỉ cho hai người, hoặc vợ, hoặc chồng cùng với một đứa con, nếu mục đích của gia đình này là để cho con có điều kiện học tập tại thành phố.
Theo ông Sơn, các đường dây “chạy” hộ khẩu có thể dựa vào quy chuẩn diện tích tối thiểu mới để “hét” giá với những người có nhu cầu. Do đó, đề xuất trên sẽ hợp lý và có tính thực tiễn cao hơn nếu cơ quan chức năng có những biện pháp hạn chế việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để trục lợi, hoặc sử dụng hộ khẩu vào những mục đích không chính đáng.