Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Quỹ mạo hiểm sẽ chú trọng các startup châu Á ứng dụng AI

(SGTT) - Các quỹ mạo hiểm nên thay đổi cách cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, vì những startup ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) có thể mở rộng quy mô nhanh hơn nhiều so với các startup khác. Đó là nhận định của Taizo Son, người được mệnh danh là “phù thuỷ” trong giới đầu tư mạo hiểm và cũng là em trai của ông Masayoshi Son, CEO của tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản.
Nhà đầu tư người Nhật Taizo Son cùng với anh trai Masayoshi Son được xem là “bàn tay vàng” trong giới đầu tư mạo hiểm, giống như tỷ phú Warren Buffett. Ảnh: Mistletoe / Getty Images

“Hiện các quỹ mạo hiểm đang khó khăn về mặt cấu trúc nhằm đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng và nhu cầu tài trợ khổng lồ của các công ty AI. Một số startup AI sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân bởi họ không bị giới hạn về số lượng nhân viên”, Taizo nói với Nikkei Asia.

Taizo Son là người đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm The Edgeof có trụ sở tại Singapore và quỹ Mistletoe có trụ sở tại Kanazawa, Nhật Bản. Năm ngoái, The Edgeof đã mua lại quỹ mạo hiểm SoftBank Ventures Asia (SBVA) trực thuộc SoftBank có trụ sở tại Seoul với giá khoảng 2 tỉ đô la….

Taizo cũng cùng với anh trai thành lập Yahoo Japan năm 1996. Cả hai anh em Masayoshi và Taizo đều là tỷ phú. Họ được xem là “phù thủy có bàn tay vàng” trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, giống như tỷ phú Warren Buffett của Mỹ. CEO SoftBank Masayoshi cũng nổi tiếng với thương vụ đầu tư 20 triệu đô la vào Alibaba để rồi nhận được lợi nhuận hàng chục lần sau đó.

Startup AI có thể “cơi nới” nhanh hơn

Ông Taizo giải thích rằng, thông thường một công ty khởi nghiệp khó có thể tăng nhân viên từ 50 lên 100 người trong một năm, vì mở rộng vội vàng có thể phá vỡ văn hóa công ty. Tuy nhiên, một công ty AI chỉ có 5-10 viên “có năng lực thực sự” mang lại doanh thu nhiều triệu đô la, bởi một người có thể đảm nhận nhiều vai trò hay nhiệm vụ với sự hỗ trợ của tự động hóa và AI.

Có nghĩa là, các startup AI có thể mở rộng quy mô dễ dàng hơn nhiều, vì doanh thu sẽ được xác định không phải bởi số lượng nhân viên hay nhà máy mà bởi số lượng con chip mà họ có thể sử dụng. Điều này có nghĩa là cần phải đầu tư lớn và nhanh chóng.

“Chúng tôi đã thấy một số trường hợp tăng trưởng nhanh ở Mỹ, với các công ty đang ở giai đoạn cấp vốn series A đã nhảy ngay lên series D chỉ sau một năm”, ông Taizo nói. Series A thường có nghĩa là nguồn tài trợ lên tới hàng triệu đô la, trong khi series D có thể lớn hơn hàng chục lần. Đối với một số công ty, quá trình chuyển đổi từ series A sang D có thể mất 10 năm.

OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, có thể là ví dụ rõ ràng nhất. Ban đầu, Microsoft đã đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào năm 2019, nhưng sau đó nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư nhiều tỉ đô la trong nhiều năm hồi tháng 1-2023, chỉ hai tháng sau khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022.

Anthropic, một công ty AI khác của Mỹ, đã công bố vào năm ngoái rằng đã nhận được khoản đầu tư lên tới 4 tỉ đô la từ Amazon. Anthropic do các cựu CEO của OpenAI thành lập năm 2021.

“Đầu tư mạo hiểm hiện tại không thể bắt kịp tốc độ ở trên. Có nguy cơ là tăng trưởng của một startup AI có thể bị hạn chế do không được các nhà đầu tư bơm vốn nhanh”, Taizo giải thích.

Nhân viên các startup Nhật Bản làm việc tại văn phòng của Mistletoe ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg

Nhà đầu tư và startup cùng thay đổi

Các nhà đầu tư mạo hiểm truyền thống thường không “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Họ đầu tư vào các startup khác nhau, phân bổ vốn theo từng giai đoạn trong vòng 5-8 năm. Cách tiếp cận dài hạn này làm tăng khả năng thu lợi nhuận và giảm bớt rủi ro, nhưng cũng mất thời gian hơn.

Để giải quyết vấn đề này, Taizo cho biết, ông đang lên kế hoạch thành lập quỹ mới do The Edgeof quản lý. Quỹ này sẽ đầu tư các startup có liên quan đến AI trong giai đoạn series A và B. Quỹ sẽ mời một vài nhà đầu tư chia sẻ thông tin về các startup và cùng đầu tư vào các công ty có triển vọng thông qua việc gọi vốn, lập nhiều quỹ khác nhau trong suốt quá trình startup phát triển.

Taizo nói rằng quỹ sẽ có đặc điểm là đưa ra quyết định nhanh chóng và tập trung vào châu Á. Ông cho biết, mặc dù quỹ sẽ có khuôn khổ khác với SBVA hiện tại, nhưng quỹ sẽ sử dụng nhân viên và bí quyết từ tập đoàn SoftBank trước đây.

Các nhà đầu tư chủ yếu sẽ bao gồm các công ty có ảnh hưởng, có hoạt động kinh doanh riêng và các tập đoàn gia đình ở châu Á. Bằng cách ưu tiên các công ty không có hoạt động kinh doanh chính là đầu tư, Taizo đặt mục tiêu đưa ra quyết định đầu tư nhanh chóng, vì những công ty như vậy có thể huy động nhiều vốn hơn miễn là lợi ích của việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp là rõ ràng.

Cách tiếp cận này cũng thu hút các startup AI, bởi điều quan trọng nhất đối với các công ty đang phát triển nhanh như vậy là phổ biến và hiện thực hóa công nghệ chứ không theo đuổi gọi vốn quy mô. “Đối với các công ty AI hàng đầu, vốn đã trở thành một loại hàng hóa”, Taizo nói.

The Edgeof cũng sẽ sử dụng các công cụ AI để  lựa chọn các startup có triển vọng ở châu Á hoặc toàn cầu nhằm tạo các kỳ lân (công ty với mức định giá từ 1 tỉ đô la).

Các nền kinh tế Đông Nam Á hoặc rộng hơn là châu Á khá khu biệt. Ví dụ các startup Nhật chỉ nhận nhân viên người Nhật làm việc, gọi vốn từ nhà đầu tư Nhật và chỉ tập trung vào thị trường Nhật. Taizo nói điều này sẽ hạn chế khả năng mở rộng thị trường của startup.

Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu CB Insights của Mỹ, Đông Nam Á hiện chỉ có 26 kỳ lân tính đến hết tháng 3-2024, rất thấp so với con số 656 của Mỹ.

“Chúng tôi muốn có thêm nhiều cộng đồng khởi nghiệp nước ngoài, giúp họ đưa sản phẩm ra thị trường châu Á hoặc toàn cầu. Nhà đầu tư quốc tế sẽ ủng hộ phiên bản Silicon Valley lớn hơn của châu Á thay vì mô hình nhỏ hẹp hơn của một thị trường nhỏ hơn”, Taizo nhấn mạnh.

Năm 2018 SoftBank bơm thêm 500 triệu đô la vào Grab, nhằm đầu tư cho các startup Việt Nam và Đông Nam Á tập trung vào tài chính và xe điện. Còn Mistletoe đã đầu tư vào startup Hectagon về blockchain tại Việt Nam năm 2022, trong kế hoạch đầu tư 100 triệu đô la cho các startup Đông Nam Á.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Startup châu Á đến CES 2024 gọi vốn và tìm khách...

0
(SGTT) - Nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ, nhiều startup của châu Á có cơ hội tham dự Triển lãm Điện tử tiêu...

Startup Đài Loan tìm tương lai phát triển ở Đông Nam...

0
(SGTT) - Tháng 8 vừa rồi, 14 startup cùng nhiều doanh nghiệp và quỹ mạo hiểm Đài Loan đã đến TPHCM tìm kiếm cơ...

Những startup thúc đẩy tính tuần hoàn của ngành công nghiệp...

0
(SGTT) - Cà phê là thức uống đa năng, kích thích tư duy minh mẫn hơn, giúp kết nối xã hội. Tuy nhiên, ở...

Vốn chảy vào các startup công nghệ châu Âu giảm 45%...

0
(SGTT) - Vốn mạo hiểm đổ vào ngành công nghệ châu Âu giảm gần một nửa trong năm 2023 khi các nhà đầu tư...

Từng được định giá 47 tỉ đô la, WeWork chuẩn bị...

0
(SGTT) - WeWork, công ty cho thuê không gian làm việc chung ở New York, có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sớm...

Kết nối