(SGTT) - Ngày nay, chúng ta thường nghe nói đến “bền vững” như một chủ đề quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa sự bùng nổ của các thuật ngữ và khái niệm liên quan đến bền vững, không ít doanh nghiệp đang loay hoay tìm cho mình một định nghĩa rõ ràng. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu mỗi doanh nghiệp đã thực sự thấu hiểu và hành động theo đúng ý nghĩa của bền vững hay chưa?
- Cách người Thái làm thời trang ‘bền vững’ không chỉ ‘xanh’ mà còn đẹp
- Chiêm ngưỡng những BST thuộc ba lĩnh vực thời trang tiềm năng tại Thái Lan
Bền vững: Sự cân nhắc giữa môi trường, xã hội và kinh tế
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là việc bảo vệ môi trường hay thực hiện các hoạt động xã hội. Bền vững là sự cân nhắc cẩn trọng giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, với mục tiêu tạo ra giá trị lâu dài cho cả xã hội và doanh nghiệp.
Trong chuyến tác nghiệp tại Thái Lan, chúng tôi được ban tổ chức Style Bangkok 2024 đón tiếp tại Deesawat - một trong những doanh nghiệp sản xuất nội thất gỗ hàng đầu tại đây. Ông Jirachai, giám đốc R&D và Marketing của doanh nghiệp, đã mang đến cho chúng tôi một góc nhìn độc đáo làm nổi bật tính chất đa chiều của khái niệm này.
Khi được hỏi về định nghĩa của bền vững, ông tỏ ra không chút ngần ngại khi bày tỏ rằng ngày nay tại Thái Lan, có không ít khái niệm mà người dân và doanh nghiệp cần phải tìm hiểu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng bền vững không chỉ đơn giản là việc tập trung vào sản phẩm. "Doanh nghiệp thường nhìn nhận bền vững thông qua góc độ của sản phẩm," ông nói. Nhưng sự thật không chỉ dừng lại ở đó, ông cho biết.
Với ông, bền vững thực sự nằm ở sự linh hoạt và sáng tạo trong cách sử dụng sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc không chỉ sản xuất ra các sản phẩm môi trường thân thiện mà còn cần xem xét cách sử dụng chúng một cách có ý thức và tiết kiệm tài nguyên.
"Chúng ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ về sản phẩm," ông Jirachai nhấn mạnh. "Thay vì chỉ tập trung vào việc sản xuất ra sản phẩm, chúng ta cần tập trung vào cách chúng được sử dụng và tái chế sau khi không còn cần thiết."
Sáng tạo và tận dụng tài nguyên trong phát triển bền vững
Trong các sản phẩm của Deesawat, mỗi sản phẩm gỗ mang trong mình một câu chuyện độc đáo về sự sáng tạo và tận dụng tài nguyên. Thay vì mài đi những phần sần sùi thô ráp trên bề mặt gỗ, công ty ông Jirachai đã chọn giữ lại chúng trong các sản phẩm của mình, vì ông nhận ra rằng điều này không chỉ giảm thiểu lãng phí mà còn tạo nên nét độc đáo cho sản phẩm. Những phần vỏ gỗ thô, từng bị xem là phế thải, bây giờ lại được sử dụng một cách sáng tạo để tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Nhưng sự sáng tạo không dừng lại ở đó. Câu nói “tích tiểu thành đại” dường như đã rất đúng với công ty nơi ông Jirachai làm việc, khi doanh nghiệp lưu giữ các mảnh gỗ vụn, bột và mùn gỗ, để tạo ra các sản phẩm trang trí nội thất. Nói về ý tưởng này, ông cho biết: “Thật ra lúc đầu khi tích trữ các mảnh gỗ vụn trong nhà kho, tôi chưa nghĩ đến sẽ dùng chúng cho mục đích cụ thể nào. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể tái sử dụng chúng. Từ những mảnh gỗ nằm xó trong nhà kho, với kích thước nhỏ nhất là 1’x1.5 inch, các sản phẩm độc đáo dần được hình thành sau khi ông mời các sinh viên và kiến trúc sư trẻ cùng hợp tác.
Nhằm nâng cao nhận thức về sự quan tâm đến bền vững không chỉ ở thế hệ trẻ, công ty của ông Jirachai đã tạo ra một giải pháp kết hợp sự tham gia của cả các thế hệ người lớn tuổi. Ý tưởng chính là tạo ra các sản phẩm không chỉ có chất lượng cao cấp mà còn có tuổi thọ rất dài, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điển hình như bộ phản gỗ trắc với họa tiết rồng Thái trải đều bốn mặt được làm từ các nhà chạm khắc lành nghề, rất được yêu chuộng bởi phân khúc khách hàng lớn tuổi có điều kiện kinh tế. Từ đây, mỗi sản phẩm bán ra trở thành một gia tài được truyền qua các thế hệ.
Từ những sáng kiến và hành động tại công ty ông Jirachai, chúng ta nhận thấy rằng bền vững không chỉ là một khái niệm mà còn là một lối sống, một triết lý kinh doanh mà mọi người có thể học hỏi và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng là không chỉ nói, mà còn làm, thực hiện những hành động cụ thể để tạo ra những thay đổi tích cực cho cả xã hội và môi trường.
Nhìn nhận tính chất của quá trình thay đổi, ông Jirachai khuyên rằng việc thay đổi không xảy ra trong một ngày. Quá trình sản xuất và thiết kế cũng không thể thay đổi đột ngột. Ông khuyến khích mọi người phải tỉ mỉ xem xét từng bước trong quy trình sản xuất và tìm ra những điểm có thể điều chỉnh, dần dần mục tiêu sẽ đạt được.
Lầm tưởng trong kinh doanh bền vững: Sự thất bại và học hỏi
Trên thị trường hiện nay, nỗi lo sợ về việc thất bại trong kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu "bền vững" đang trở thành một vấn đề đáng chú ý. Phong trào "xanh hóa" sản phẩm để thu hút khách hàng đã trở thành một trào lưu phổ biến, nhưng thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp đã gặp thất bại trong việc thực hiện chiến lược này. Vậy lí do là gì?
Theo ông Jirachai, một trong những lầm tưởng phổ biến là việc cho rằng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm vì nó được gắn nhãn "bền vững". Ông chia sẻ rằng bền vững không phải chỉ là một "gam màu xanh" để trang trí mà còn phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chỉ khi sản phẩm thực sự chất lượng và hấp dẫn, doanh nghiệp mới có thể thu về lợi nhuận.
Một câu hỏi rất thực tế mà ông Jirachai đặt ra là ai sẽ thực sự hưởng lợi từ việc thực hiện phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù bền vững có thể mang lại lợi ích cho toàn cầu, nhưng mục tiêu cuối cùng của mỗi doanh nghiệp vẫn là tạo ra lợi nhuận. Sự cân nhắc giữa mục tiêu kinh doanh và đảm bảo phát triển bền vững vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngoài câu chuyện về kinh doanh bền vững từ công ty Deesawat, rất nhiều các doanh nghiệp Thái Lan khác cũng đang nỗ lực để thực hiện các sáng kiến bền vững. Ví như doanh nghiệp sản xuất chiếu nhựa Mat-er đã thành công trong việc chuyển đổi phế liệu rác thải nhựa thành sản phẩm mới, với khả năng tái sử dụng 100% sản phẩm. Cũng không kém phần ấn tượng, doanh nghiệp Thumbinthai đã phát triển sản phẩm áo sử dụng công nghệ Redefi, giúp giảm thời gian phân hủy của vải Polyester từ 450 năm xuống còn 4 năm mà vẫn bảo toàn được tính toàn vẹn và sức bền của vải. Những khó khăn, trở ngại trên hành trình hướng đến phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh không phải một sớm một chiều có thể vượt qua, mà hành trình này phải tính bằng con số hàng chục năm với sự cam kết và quyết tâm cao độ.
Từ những góc nhìn và kinh nghiệm của một người Thái làm kinh doanh bền vững, có thể thấy rằng bền vững trong kinh doanh không chỉ là việc gắn nhãn cho sản phẩm, đưa ra khái niệm để tìm hiểu, mà còn là quá trình liên tục học hỏi và điều chỉnh, trong đó tìm điểm cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và trách nhiệm xã hội là điều quan trọng nhất.