(SGTT) - Những khoản lợi nhuận khổng lồ từ trên trời rơi xuống do việc bán không khí sạch (giảm phát thải) đang khơi dậy sự quan tâm của các tổ chức và doanh nghiệp đủ mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực chứ không riêng gì những dự án dựa vào thiên nhiên như ngăn chặn phá rừng, trồng rừng, tạo cảnh quan hấp thụ carbon, phát triển đa dạng sinh học, hay các công nghệ loại bỏ CO2 từ các bãi chôn lấp, cung cấp nước uống…
- Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng?
- WB chi trả gần 1.000 tỉ đồng cho giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sôi động hơn khi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trở thành thứ hàng hóa có thể giao dịch ở chợ dưới dạng tín chỉ carbon (Carbon credit) để ai thừa thì bán ai thiếu thì mua. Và có lẽ 10 năm tới đây, tín chỉ carbon sẽ là một phần trên mỗi mặt hàng thực thể khi các nước áp dụng luật thuế tiêu thụ cho xuất nhập khẩu dựa trên dấu ấn carbon (Carbon footprint) của mặt hàng hay dịch vụ đó.
Thiếu mua thừa bán
Mỗi một tín chỉ carbon đại diện cho một tấn khí nhà kính, thường là khí carbon dioxide (CO2) hoặc các khí nhà kính khác (CH4, NO2), đã được giảm bớt hoặc ngăn chặn khỏi phát thải vào môi trường. Chúng ta biết rằng mỗi một nhà máy, khu vực sản xuất hay mỗi một dịch vụ của doanh nghiệp đều thải ra một lượng khí thải nhà kính nhất định. Nếu lượng khí nhà kính của doanh nghiệp thấp hơn tiêu chuẩn nhờ giảm bớt hay ngăn chặn thì doanh nghiệp đó sở hữu (tạo ra) một số tín chỉ tùy theo định lượng, và có thể rao bán trên thị trường dưới dạng tín chỉ carbon.
Các doanh nghiệp có nhà máy hay dịch vụ phải hoạt động với mức phát thải cao hơn tiêu chuẩn buộc phải mua những tín chỉ carbon cần thiết đó để trung hòa khí thải cho hoạt động của mình nhằm làm cho sản phẩm có thể được chấp nhận hay không bị đánh thuế cao khi đưa vào thị trường. Là một thứ hàng hóa, tín chỉ carbon được định giá cao thấp giữa người bán và người mua, thay đổi giá khi dồi dào hay khan hiếm, và cả tùy chất lượng hay tính bền vững trong ngăn chặn phát thải của tín chỉ đó.
Bắt đầu từ ngày 1-1-2022, thị trường carbon ở nước ta chính thức ra đời với việc áp dụng Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, và đây là động thái cần thiết của Chính phủ nhằm hướng tới các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy đổi mới công nghệ sạch hơn và tăng tốc đóng góp của Việt Nam vào các mục tiêu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ đi xa hơn với quy định đưa sàn giao dịch tín chỉ carbon vào hoạt động kể từ năm 2028. Hiện tại nước ta tập trung vào hai cơ chế tín dụng chính là Cơ chế phát triển sạch (CDM- Clean Development Mechanism) bằng các dự án giảm phát thải, và Cơ chế tín dụng chung (JCM- Joint Credit Mechanism) với các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp các nước.
Lợi ích của việc tạo ra và bán tin chỉ carbon không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập khả dĩ bù trừ cho những chi phí đầu tư vào công nghệ xanh trong quá trình tham gia tích cực vào chiến lược toàn cầu chống biến đổi khí hậu mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của tổ chức doanh nghiệp, thúc đẩy các nghiên cứu sáng tạo, và bảo vệ môi trường cùng đa dạng sinh học nơi chính địa bàn của doanh nghiệp.
Trên thực tế nhóm tín dụng dựa vào thiên nhiên mà Việt Nam có lợi thế đang có nhu cầu rất lớn và người bán dễ tìm ra các khách hàng sộp. Thí dụ Tập đoàn Meta đang cần mua 6,75 triệu tín chỉ carbon để hoàn thành các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của họ. Người ta cũng đã chứng kiến cuộc đấu giá kỷ lục ở Nairobi khi hơn chục công ty Ảrập Saudi cạnh tranh để giành mua hai triệu tín chỉ carbon có được từ các sáng kiến trồng rừng và sử dụng nhiên liệu nấu ăn sạch hơn của nước này.
Cần sớm lập sàn giao dịch tín chỉ carbon
Việc sớm thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon rất cần thiết, bởi các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chào bán tín chỉ mà còn đặt mua tín chỉ, khách hàng không chỉ từ nước ngoài mà còn là các công ty hay nhà máy trong nước cần hạ thấp dấu ấn carbon để dễ dàng xuất khẩu sản phẩm.
Thị trường tín chỉ carbon ở nước ta bắt đầu sôi động với việc các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, xây dựng chiến lược, đăng ký quota và tìm kiếm đối tác hay khách hàng. Các chuyên gia lưu ý rằng tín dụng carbon là một thứ hàng hóa, vì thế có thể sớm bị đem bán quá hời với số lượng quá lớn, để rồi có khi còn phải mua lại với giá cao gấp nhiều lần khi đem sản phẩm hay dịch vụ của mình ra thị trường. Tóm lại, tín chỉ carbon không phải là một thứ ân huệ và thị trường carbon sẽ là một chiến trường.