Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Trẻ em khó tránh mặt trái của Youtube

(SGTT) - Nền tảng chia sẻ video trực tuyến YouTube đang bối rối trong việc xử lý vấn đề về nội dung phản cảm nhắm đến trẻ em.

YouTube đang tỏ ra yếu kém trong việc ngăn chặn những kẻ có ý đồ xấu với trẻ em lợi dụng nền tảng chia sẻ video này. Ảnh: CBC

Khi nghĩ về những kênh lớn nhất trên nền tảng chia sẻ video YouTube, người ta thường nghĩ đến những tài khoản chuyên về clip hài và giải trí cho người lớn như PewDiePie hay những nghệ sĩ lớn như Ariana Grande.

Nhưng thật bất ngờ, kênh YouTube có lượng người theo dõi “khủng” nhất ở Mỹ hiện nay lại là kênh dành cho trẻ em CoCoMelon. Đây là một kênh ca nhạc-hoạt hình đăng tải nhiều video đồ họa 3D đẹp, minh họa các bài hát ý nghĩa và vui nhộn.

Tính trung bình một tháng, Cocomelon thu hút hơn 2,5 tỉ lượt xem video, mỗi video tải lên có đến tới 83 triệu lượt xem/ngày. Trong khi đó, cả bốn đài truyền hình lớn nhất của Mỹ trung bình chỉ có 13 triệu người xem mỗi ngày.

Nhìn ra xa hơn nữa, sáu trong số mười kênh YouTube đang có lượng người theo dõi nhiều nhất trên thế giới là các kênh với nội dung hướng tới trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Các kênh này thường có hình ảnh và giai điệu vui nhộn, nội dung về các buổi cha mẹ cùng chơi với các con và các clip đánh giá đồ chơi.

 YouTube không phải chỗ của con nít

Hiện nay, YouTube là nền tảng có nhiều chương trình nhắm đến trẻ em có đông người xem nhất. Tuy nhiên, một điều ít ai biết là điều khoản dịch vụ của Google, tập đoàn sở hữu YouTube, thì đại đa số các em nhỏ đều không được phép xem video trên bất kỳ kênh YouTube nào.

Theo đó, dịch vụ của YouTube không được phép cung cấp cho các trẻ em dưới 13 tuổi. Không chỉ vậy, Google còn đưa ra lời khuyên cho các em trong lứa tuổi này về những trang web hay và bổ ích, phù hợp với các em.

Tuy nhiên, YouTube hiện đang gặp phải hàng loạt cáo buộc và khiếu nại do nhiều nhóm phụ huynh lẫn các nhà hoạt động xã hội đưa ra, yêu cầu YouTube phải có những biện pháp thực sự hiệu quả để kiểm soát các video dành cho trẻ em.

Thực ra, YouTube chỉ là ngôi nhà chung của rất nhiều nội dung, quá nhiều đến mức thành “thập cẩm”, hỗn độn. Việc giới hạn lứa tuổi người xem từ 13 tuổi trở lên cũng không có hiệu quả gì vì các em chỉ cần tạo tài khoản giả mạo số tuổi là “lách luật” dễ dàng.

Nhiều người khắt khe còn nhận xét về nội dung trên YouTube, cho rằng một phần lớn những video trên đây toàn loại… rác rưởi, bởi ai thích đăng gì là đăng. Không thiếu những video hoang tưởng về đủ loại thuyết âm mưu, ma quái, bạo lực thậm chí gợi dục.

Thuật toán thông minh… không thông minh

YouTube còn tạo ra chức năng “Video dành cho bạn”. Chức năng này sử dụng thuật toán thông minh để tổng hợp thói quen xem video và những thể loại yêu thích của người sử dụng rồi tự động phát các video (autoplay) mà nó cho là người ta sẽ quan tâm. Trong nhiều trường hợp autoplay tỏ ra khá… ngu ngốc, đưa ra những video không phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.

Nếu bạn đã từng xem một video về những thuyết âm mưu, những trò ma quái giật gân hoặc thậm chí là bạo lực máu me trên YouTube. Sau đó, bạn chuyển sang tìm xem phim hoạt hình để cho con xem chẳng hạn, YouTube có thể đưa nhiều video có nội dung phản cảm bạo lực danh sách các video sẽ tự động phát ngay sau đó. YouTube cũng có thể “lấy nhầm” những video tưởng là dành cho trẻ em nhưng thực ra nội dung lại vô cùng tệ hại do những kẻ bệnh hoạn đăng tải lên. Chẳng hạn như những clip về các nhân vật hoạt hình bắn giết nhau, hoặc video một con búp bê hướng dẫn cách tự sát.

Thay vì các đoạn trích từ các bộ phim, YouTube cũng có thể tự động giới thiệu những video với nội dung người lớn, chẳng hạn như phim “đen” với “diễn viên” chính là những nhân vật hoạt hình. Mọi thứ đều có thể đi chệch đường ray trong chớp mắt nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ cảnh giác trong vô vàn tình huống xấu như vậy.

Từ mất kiểm soát đến hỗn loạn

Gần đây, dư luận lại dấy lên những tranh cãi liên quan đến chuyện YouTube quản lý quá yếu kém. Đó là chuyện những kẻ ấu dâm có thể dễ dàng, thoải mái đưa ra những bình luận phản cảm trên các video của trẻ nhỏ. YouTube thông báo họ sẽ thay đổi chính sách bình luận và sẽ tắt tất cả bình luận trong các kênh có trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này chưa đi đến đâu, trên các kênh lớn như CoCoMelon vẫn tồn tại rất nhiều bình luận nhuốm màu bệnh hoạn thậm chí khiêu dâm.

Trước áp lực quá lớn của dư luận từ nhiều nước, YouTube có đưa ra giải pháp xử lý triệt để, kể cả việc loại bỏ tất cả các chương trình của trẻ em khỏi kênh YouTube truyền thống và đưa những nội dung này vào ứng dụng YouTube Kids, dành riêng đối tượng khách hàng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy vậy, tất cả đều mới chỉ là ý tưởng.

Hơn nữa, nền tảng YouTube nói chung đang tiến hành trả tiền quảng cáo cho các tài khoản có lượt xem (view) cao và có chế độ người xem thưởng tiền cho người tạo nội dung. Từ đó nảy sinh hiện tượng nhiều bậc cha mẹ đem con vào diễn những video hoặt phát hình trực tuyến (livestream) để kiếm tiền và nhận thưởng từ người xem. Do đó, không ít người lo lắng YouTube Kids có nguy cơ trở thành phiên bản “nhí” của những nền tảng livestream của người lớn, vốn đầy rẫy những nội dung phản cảm để “câu” view.

Kinh doanh phải có trách nhiệm

Rõ ràng, với trách nhiệm của mình, Google cần phải làm được điều gì đó có ý nghĩa hơn. Tạp chí Variety, một tạp chí chuyên về giải trí lớn tại nước Mỹ, cho rằng YouTube sẽ phải chịu hậu quả đến từ sự chần chờ, chưa đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề video phản cảm nhắm đến trẻ em.

“Làm sao chúng ta có thể biết được YouTube Kids an toàn hơn, có thể ngăn chặn những kẻ ấu dâm tìm kiếm các video về trẻ nhỏ”, cây bút Jank Roettgers viết trên Variety. “Và làm thế nào để một dịch vụ như YouTube Kids có thể ngăn chặn các bậc cha mẹ đem con cái của họ ra làm trò để kiếm lợi nhuận?”

Vì những công cụ sử dụng “trí thông minh nhân tạo” chưa đủ thông minh để giải quyết vấn đề, Roettgers đề nghị Google nên biến lĩnh vực nội dung dành cho trẻ em thành một nền tảng được kiểm soát chặt chẽ, tương tự như cách các đài truyền hình đang làm. Theo đó, video sẽ cần phải được người kiểm duyệt xem xét và phê duyệt.

Làm như vậy sẽ khiến Google tốn nhiều công sức và chi phí hơn, nhưng vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với việc phải nộp phạt nếu có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Đây cũng là cách làm để một tập đoàn có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình.

Thanh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu hơn về YouTube Premium khi người dùng Việt đã có...

0
(SGTT) - Mới đây, mạng xã hội video - YouTube - đã chính thức mở bán gói đăng ký Premium cho người dùng tại...

Những ‘sân chơi’ mới của youtuber

0
Để phát triển thương hiệu cá nhân, nhiều người đang phát triển kênh riêng trên Youtube (được gọi là youtuber) đã lấn sân sang...

VinFast muốn kiện một chủ kênh youtube, cộng đồng mạng xôn...

0
(SGTT) - Ngày 2-5, trên fanpage chính thức của hãng, VinFast loan báo tin tức về việc đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ...

Độ Mixi, Trấn Thành và Hậu Hoàng dẫn đầu Việt Nam...

0
(SGTTO) - Google (công ty mẹ của mạng xã hội video trực tuyến lớn nhất thế giới - YouTube) đã công bố danh sách...

Nhà sáng tạo nội dung than kiệt sức vì YouTube

0
(SGTT) - Trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) chia sẻ họ cảm thấy kiệt sức...

Video triệu view và đạo đức của Youtuber

0
(SGTT) - Sài Gòn Tiếp Thị Online giới thiệu bài viết của một nhân vật hiện nay thường xuyên viết các bài review (nhận...

Kết nối