Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Nhân lực ngành bán dẫn cần kế hoạch đào tạo ‘bắt kịp’ xu hướng đầu tư

(SGTT) - Việt Nam đang thu hút các nhà sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn quốc tế đến đầu tư. Để nắm bắt được cơ hội này, các chuyên gia cho rằng, kế hoạch quốc gia đào tạo nhân lực bán dẫn cần sớm được triển khai.

Khoảng trống lớn về nhân sự bán dẫn 

Trên thế giới hiện rất thiếu nhân lực bán dẫn và đây là chủ đề được nói nhiều trong thời gian gần đây. Tại một hội thảo về nhân sự công nghệ gần đây, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện nay đã có các kỹ sư giỏi được doanh nghiệp Singapore mời làm việc với mức lương gấp đôi khi họ làm việc tại Việt Nam.

Tại diễn đàn kết nối tài năng công nghệ do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn toàn cầu phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, ông Edmund Mok, Ban Phát triển Kinh tế Singapore cho biết, nhân tài bán dẫn được săn đón trên toàn cầu. Tới năm 2030, ngành bán dẫn sẽ cần thêm 900.000 nhân sự. Các quốc gia mới công bố đầu tư vào nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ thiếu trầm trọng nhân sự có kỹ năng. Vì thế, các chính phủ, doanh nghiệp đang tập trung chiến lược vào các chương trình đào tạo mới để phát triển nhân lực bán dẫn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam cho biết, năm 2023 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư nhưng chỉ tuyển được 6 kỹ sư có kiến thức về vi mạch. Nhân lực trong ngành chip bán dẫn đang là một khoảng trống rất lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cũng cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các công ty rất lớn nhưng không đủ đáp ứng. Dù ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập tăng đều hằng năm, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm nhưng vẫn khó tìm người.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên đến nay việc đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng dưới 20%. Nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm. Thực tế nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu về số lượng, đồng thời chưa đạt yêu cầu về chất lượng để đáp ứng xu hướng đầu tư và phát triển của ngành.

Chia sẻ với báo chí mới đây, giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) nhận định, thế giới đang kỳ vọng Việt Nam trở thành nơi sản xuất, một vị trí trong chuỗi cung ứng lớn toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Để đáp ứng được kỳ vọng đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và cần phải làm ngay. Nếu để chậm trễ, vài năm nữa mới khởi động sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu về nguồn nhân lực.

Theo ông Thọ, khi đã tính toán được các số liệu về nguồn nhân lực cần đáp ứng, phải nhanh chóng có cơ chế bổ sung nguồn lực, bổ sung ngân sách, bổ sung chuyên gia, bao gồm cả việc mời chuyên gia nước ngoài hay những Việt kiều giỏi trong các ngành đó cùng hợp tác.

“Nếu đưa ra mục tiêu lớn nhưng không có chương trình hành động đi theo thì rất khó thành công. Chính phủ Việt Nam phải có chương trình hành động rất cụ thể và kịp thời”, ông Thọ nhận định.

Theo bộ Khoa học và Công Nghệ, Việt Nam mới có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Do đó, Chính phủ đã giao bộ này tư lập đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030. Trong đó dự kiến có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư quốc tế.

Về đề án trên, trả lời báo chí tại phiên họp Chính phủ gần đây, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố có tính nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính trong Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Thứ nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học. Điều này đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác quan trọng là Nhà nước – các viện và các trường đại học – doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn. Thứ hai là đào tạo kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này. Thứ ba là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn.

Thúc đẩy các trường đại học vào ‘guồng’ đào tạo

Trước khi bản Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu 50.000 kỹ sư đến năm 2030, các trường đại học, ngành giáo dục đã đang tìm cách thúc đẩy đào tạo ngành học này.

Tại buổi tiếp các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước vào ngày 21-2 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn FPT đã nhờ các đơn vị này hỗ trợ thúc đẩy các chương trình hợp tác về giáo dục và chuyển giao chương trình đào tạo đặc biệt trong những lĩnh vực chip bán dẫn. Bởi FPT có trường đại học và đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn để đào tạo các lĩnh vực mới này để bắt kịp xu hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tại Việt Nam và thế giới – dự kiến đón lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024.

Ngoài FPT, hiện nay đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn. Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn. Trong đó chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo kỹ thuật điện tử viễn thông và ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano được mở mới năm 2023.

Còn tại Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo hàng ngàn sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng mạnh số lượng đào tạo lên trong tương lai. Ngoài kỹ sư, đại học này sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành.

Hiện nay, Đại học quốc gia TPHCM cũng đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, trường này đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Còn với Đại học Đà Nẵng, năm 2024 sẽ đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Hay Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ cũng sẽ mở chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn trình độ đại học, tuyển sinh và đào tạo năm 2024.

Tại cuộc hội thảo về đào tạo vi mạch được tổ chức gần đây, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo cho hay, Bộ này đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia kế hoạch trên. Tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm còn rất ít. Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Theo ông Sơn, việc cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học (về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo…). Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Bên cạnh đó, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư…

Dưới góc độ cơ quan phát triển chiến lược của ngành bán dẫn, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật của Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn.

Ông Hùng cho rằng cơ quan này sẽ tìm cách thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam tập trung phát triển nhanh và mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế sẽ có thể sẽ thu “trái ngọt” trong 5 – 10 năm tới. Để bắt kịp xu hướng đầu tư thời gian tới, Nhà nước cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong ngành điện tử viễn thông, đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quan đến thiết kế vi mạch, bán dẫn. Những nhân lực này nếu được đào tạo lại đúng chuyên ngành bán dẫn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Đào tạo lại những kỹ sư đã tốt nghiệp chuyên ngành gần bán dẫn là giải pháp nhanh chóng tăng lượng nhân lực ngành bán dẫn cung cấp cho thị trường.

Vân Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sợ lỗi thời, nhân viên công nghệ Mỹ sốt sắng đi...

0
(SGTT) - Nhân viên công nghệ ở Mỹ đang sốt sắng trang bị lại kỹ năng trong thời kỳ mà mọi công ty công...

Đua ‘săn’ nhân lực trước dòng chảy vốn vào công nghệ...

0
(SGTT) - Dòng chảy đầu tư vào điện tử, data center, và đặc biệt là công nghệ vi mạch bán dẫn… đặt ra nhiều...

Đào tạo nhân lực bán dẫn và cuộc ‘chạy đua’ với...

0
(SGTT) - Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, trong khi hiện mới có...

Kỹ sư Việt vào ‘tầm ngắm’ của doanh nghiệp ngoại

0
(SGTT) - Các nhân sự cấp quản lý cấp trung có chuyên môn cao, kỹ sư hoặc kỹ thuật viên lành nghề trong nước...

Làm việc nhiều giờ hay làm việc thông minh?

0
(SGTT) - Chăm chỉ làm nhiều hay lựa chọn làm ít mà hiệu quả luôn là câu hỏi tranh luận từ rất lâu. Bài...

Làm việc từ xa giúp doanh thu công ty tăng trưởng...

0
(SGTT) - Doanh thu ở các công ty cho phép nhân viên làm việc linh động hoàn toàn tăng trưởng với tốc độ nhanh...

Kết nối