Ngọc Hùng
Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi xem ra không còn gì bí mật khi một nông dân với số vốn vài chục triệu đồng đã có thể chủ động được nguồn thức ăn cho trang trại của mình. Những người trong ngành cho rằng, việc một tập đoàn lớn nhảy vào lĩnh vực này không đáng ngại, mối bận tâm của họ nằm ở chỗ khác.
Tự làm để giảm chi phí
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ một trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai, cho biết trong vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá heo hơi trên thị trường thường xuyên biến động. Để chăn nuôi có lãi, điều bắt buộc phải làm là giảm chi phí đầu vào càng nhiều càng tốt. Có một thực tế là, bất chấp giá heo biến động, giá thức ăn chăn nuôi và giá thuốc thú y lại không giảm mà còn tăng. Lý do được các công ty đưa ra là do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm buộc phải tăng giá vì giá nhập khẩu tăng.
“Cách giảm chi phí đầu vào trong thời buổi giá cả bấp bênh như hiện nay là phải tự sản xuất, hoặc hợp tác với các hộ chăn nuôi khác mua nguyên liệu và thuê các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia công cho mình”, ông Hòa cho biết.
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, lĩnh vực chăn nuôi đang ghi nhận xu hướng tự sản xuất thức ăn thay vì đi mua như trước đây. Một số công ty có tiềm lực tài chính xây dựng mô hình khép kín, từ việc tự sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến chế biến thành phẩm để cung cấp cho thị trường. Còn các hộ có trang trại chăn nuôi ít vốn, không thể xây dựng một chu trình khép kín như những công ty lớn cũng tìm cách mua nguyên liệu để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc, gia cầm của mình thay vì mua từ các đại lý, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Với cách này, ngoài việc giảm được chi phí đầu vào, họ còn có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. “Lâu nay, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, nhưng chất lượng sản phẩm giảm, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều”, ông Trần Văn Ba, một người chăn nuôi gà ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cho biết. Theo ông Ba, các hộ chăn nuôi thường không quyết định được sẽ mua thương hiệu thức ăn nào, phần lớn phụ thuộc vào các đại lý thức ăn chăn nuôi cấp 2, cấp 3. Do mỗi khu vực có một vài đại lý phân phối sản phẩm, nên công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nào trả hoa hồng cao là đại lý giới thiệu sản phẩm của công ty đó.
“Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường, họ thường chiết khấu cao cho các đại lý và các đại lý trở thành nhà phân phối sản phẩm. Còn chúng tôi, muốn mua sản phẩm có thương hiệu để đảm bảo chất lượng cũng không có sự lựa chọn nên chỉ có thể là mua hoặc tự sản xuất”, ông Ba cho biết. Hiện ông Ba đang tự sản xuất thức ăn cho trang trại gà 5.000 con của mình.
Khi được hỏi về phong trào tự sản xuất thức ăn chăn nuôi đang rộ lên hiện nay, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết hiện công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi không có gì bí mật. Một nông dân với số vốn vài chục triệu đồng có thể chủ động được nguồn thức ăn cho trang trại của mình.
[box type="bio"] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 Việt Nam đã chi ra 3,23 tỉ đô la Mỹ để nhập thức ăn gia súc, và 2,1 tỉ đô la Mỹ để nhập bắp và đậu nành, hai nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi.[/box]
Và những khó khăn
Theo nhận xét của những người trong ngành, một trong những khó khăn của những trang trại tự sản xuất thức ăn chăn nuôi là làm sao kiếm được nguồn cung cấp nguyên liệu. Một số người như ông Hòa, ông Ba cho biết cách làm của hai ông hiện nay là mua lại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ một công ty xuất nhập khẩu mà họ quen biết.
Theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, không chỉ có nông dân, ngay cả những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng thường mua lại nguyên liệu từ những công ty xuất nhập khẩu vì những công ty này mua với số lượng lớn vì họ làm đại lý cho những nhà xuất khẩu. Hơn nữa, việc làm ăn với các công ty xuất khẩu nguyên liệu ở Mỹ, Ấn Độ hay Argentina cũng thuận lợi hơn cho các hộ dân, vì trong các hợp đồng mua bán sử dụng tiếng Việt thay vì bằng tiếng Anh nếu mua bán trực tiếp với các công ty nước ngoài.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiện nay giá thành một ký heo hơi của Mỹ vào khoảng 1,5 đô la Mỹ (khoảng 31.500 đồng), còn tại Việt Nam khoảng 2 đô la Mỹ (khoảng 42.000 đồng). Sở dĩ, người tiêu dùng còn mua sản phẩm chăn nuôi trong nước một phần là nhờ mức thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt còn cao, còn bảo hộ cho người chăn nuôi trong nước.
Một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng kinh tế chung Asean (AEC) có hiệu lực, thuế nhập khẩu thịt giảm dần về 0%. Khi đó, doanh nghiệp chỉ cần nhập thịt heo từ Mỹ về bán cũng có lời, còn người chăn nuôi trong nước chỉ còn cách thu hẹp sản xuất, đóng cửa nếu không giảm được chi phí đầu vào.
Theo ông Công, một trong những lý do để các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, muốn có một hiệp hội riêng là để làm đầu mối nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về cho các hội viên tự sản xuất thức ăn cho đàn heo, gia cầm của họ.
“So với các nước, giá thành chăn nuôi của Việt Nam còn cao là do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, các hộ nuôi heo muốn thông qua hiệp hội để có thể mua được nguyên liệu đầu vào với giá tương tự giá mua nguyên liệu của các nhà máy để tự chế biến, hoặc thuê gia công nhằm giảm chi phí. Đây cũng là một xu hướng chăn nuôi hiện này”, ông Công cho biết.