(SGTT) - Cục Đường bộ cho biết các dự án BOT, đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022. Do đến nay vẫn chưa được tăng giá nên phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án bị ảnh hưởng.
- VEC đề xuất tăng mức thu phí bốn tuyến cao tốc từ đầu năm 2024
- Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có doanh thu từ thu phí ra sao?
TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ và các doanh nghiệp dự án BOT về việc chấp thuận điều chỉnh tăng giá vé của 41 dự án BOT với tổng số 47 trạm thu phí.
Trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ và các doanh nghiệp dự án BOT về việc chấp thuận điều chỉnh tăng giá vé của 41 dự án BOT với tổng số 47 trạm thu phí. Thời gian dự kiến điều chỉnh từ ngày 29-12-2023.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021 của Bộ Giao thông Vận tải và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án, trạm thu phí theo đúng quy định.
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ cho biết, các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là ba năm một lần với mức tăng 6%/năm.
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Thực hiện theo Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về việc chưa tăng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT nên từ năm 2019 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa cho phép các doanh nghiệp BOT tăng mức thu theo lộ trình.
Nguyên Tân