An Nguyễn
Ngày nay, thổ cẩm không chỉ được ứng dụng trong may mặc mà còn được dùng để sản xuất các phụ kiện lẫn vật dụng như túi xách, ví, ba lô cho đến thảm trải sàn, bao gối, chăn mền...
Là một trong những sản phẩm đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, thổ cẩm trước kia chủ yếu được dệt thủ công với nguyên liệu chính là bông, sợi lanh, sợi đay; màu sắc thường được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên (màu đen được tạo ra từ lá chùm bầu với bùn non; hay màu nâu và đỏ sẫm được lấy từ các loại vỏ cây; màu xanh do nung vỏ những con ốc suối; màu vàng được tạo từ củ nghệ…). Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường còn có các sản phẩm được nhuộm bằng các loại màu hóa học nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Theo chị Lê Linh Phương, chủ cửa hàng Thổ Cẩm Việt trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM, thổ cẩm hiện nay có hai dạng chính là thổ cẩm làm thủ công và làm bằng máy. Thường thì thổ cẩm làm bằng máy sẽ cho ra sản phẩm đẹp, đều, mịn màng, hoa văn đẹp; còn sản phẩm thủ công thì nhìn thô và ít mượt hơn. Cũng vì điều này mà nhiều khách hàng lầm tưởng rằng sản phẩm bị lỗi, tuy nhiên nếu là một người có sự am hiểu về thổ cẩm thì sẽ nhận ra giá trị mà hàng thủ công mang lại.
[box type="bio"] Một số cửa hàng tham khảo
* Cửa hàng Thổ Cẩm Việt, 767/13 Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM.
* Cửa hàng Manyim, 281/64/2 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TPHCM.[/box]
Ngôi nhà của bạn sẽ thật cá tính với những đồ nội thất họa tiết thổ cẩm tươi sáng, bắt mắt. Trang trí bằng đồ thổ cẩm vừa mang tính truyền thống, cổ điển lại vừa phát huy khả năng sáng tạo và nghệ thuật.
Nếu làm thảm lót sàn phòng khách, có thể chọn loại vải dày, hoa văn to hoặc hoa văn trang trí dạng hình vuông, hình chữ nhật cho toàn bộ tấm thảm với màu sắc trùng với nền và rèm cửa. Còn nếu làm bao gối tựa cho sofa có thể chọn hoa văn lặp lại cách đều với kích thước nhỏ, phù hợp với chiếc gối; hoặc nếu dùng cho khăn ăn thì nên chọn họa tiết hình học lớn, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Còn về các phụ kiện, sẽ có rất nhiều sản phẩm phù hợp để người tiêu dùng lựa chọn. Nam thì có ví, khăn choàng, túi đeo chéo du lịch. Khách hàng nữ thì đa dạng hơn với váy, ba lô, túi xách, bao điện thoại… Nếu muốn có một chiếc túi xách, chiếc ví đơn giản, ít màu sắc thì có thể chọn thổ cẩm của người Bana với màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, trắng, có họa tiết đối xứng, hoa văn thể hiện phong cảnh thiên nhiên, truyền thống văn hóa và đời sống sinh hoạt hàng ngày; hoặc chọn thổ cẩm của người Mường với màu sắc hoa văn mang đậm tính chất núi rừng và thiên nhiên… Hay nếu muốn có một đôi giày ấn tượng, một chiếc khăn phá cách với màu sắc sặc sỡ thì có thể quan tâm đến thổ cẩm của người Thái thuộc vùng Tây Bắc – sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím…
Về nguồn gốc sản phẩm, chị Linh Phương cho biết có cửa hàng nhập trực tiếp các sản phẩm về rồi bán; có nơi mua các tấm thổ cẩm về rồi gia công lại để tạo ra các mẫu hàng riêng theo yêu cầu của khách. “Sản phẩm thủ công do các đồng bào dân tộc thiểu số làm ra đang ngày càng ít đi nên nhiều cửa hàng mua lại từng tấm vải, bộ áo, chiếc váy về rồi “xả” từng bộ phận ra để gia công thành những chiếc ví, túi xách, thậm chí khăn ăn… do đó, các sản phẩm này thường có giá cao hơn sản phẩm cùng loại được làm từ máy”, chị Phương nói.
Bên cạnh thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ít người, hiện nay các sản phẩm thổ cẩm từ Trung Quốc và Thái Lan cũng được bày bán ở nhiều cửa hàng, với mức giá chênh lệch từ vài chục ngàn đồng đến trên dưới vài trăm ngàn đồng so với sản phẩm trong nước.
“Sản phẩm thổ cẩm thủ công đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, có thể thay đổi họa tiết theo ý tưởng cá nhân nên có giá bán cao hơn các sản phẩm sản xuất bằng máy, trong đó những mặt hàng của các dân tộc vùng Tây Bắc thường có giá cao hơn các dân tộc vùng khác. Người nước ngoài, đặc biệt là người Pháp và một số nước châu Âu rất yêu thích thổ cẩm Tây Bắc, còn khách hàng Việt thường chọn các mặt hàng thổ cẩm của dân tộc Chăm”, chị Phương cho biết thêm.
Có nhiều sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn, tùy kiểu dáng hoa văn, độ phức tạp mà có các mức giá khác nhau, dao động trong khoảng từ vài chục ngàn đồng đến đến trên dưới vài triệu đồng. Về cách vệ sinh, chủ một cửa hàng thổ cẩm trên đường Nguyễn Tư Giản, quận Gò Vấp, TPHCM chia sẻ, thổ cẩm vẫn có thể đem giặt như áo quần bình thường, song lần đầu mua về nên ngâm qua giấm để tránh phai màu, hạn chế giặt chung với các loại áo quần khác để tránh bị ăn màu. Trong quá trình sử dụng nếu bị tước chỉ thì nên cắt bỏ để đảm bảo độ bền cho sản phẩm.