Hoàng Nhung
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng khi thời tiết nắng nóng, trong đó đáng chú ý hơn là các bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị “vào mùa” của một số bệnh nhiễm siêu vi, do đó các bậc cha mẹ cần phải đề phòng.
Trẻ liên tục nhập viện
Tuần trước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã cấp cứu một ca tay-chân-miệng biến chứng nặng được chuyển từ tỉnh An Giang lên. Thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ thấy bé E. đã bị phù phổi. Người nhà cho biết, bé chỉ mới sốt hai ngày, và do nghĩ là sốt thông thường nên họ để bé ở nhà cho uống thuốc.
Đến ngày thứ ba, khi phát hiện bé hay giật mình chới với, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay-chân-miệng, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cho bé thở máy, dùng thuốc vận mạch và tiến hành lọc máu liên tục. Nhờ vậy, tình trạng sức khỏe của bé E. đã được hồi phục và vừa được xuất viện.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong hai tháng đầu năm 2015, TPHCM có khoảng 1.000 trẻ mắc tay-chân-miệng phải nhập viện điều trị. Hiện bệnh tay-chân-miệng trong giai đoạn vào mùa. Giám đốc trung tâm, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, khuyến cáo thời tiết chuyển từ mùa lạnh sang nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi rút gây bệnh. Do vậy, phụ huynh không nên chủ quan.
Không chỉ có bệnh tay-chân-miệng, thời điểm này cũng đang ghi nhận số bệnh nhân bị bệnh viêm não gia tăng, trong đó có nhiều ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, gây di chứng cho trẻ.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, mặc dù chưa vào mùa dịch bệnh, nhưng hàng tuần bệnh viện phải tiếp nhận và điều trị khoảng 10 ca, trong đó trên 50% số ca rất nặng, có nguy cơ để lại di chứng thần kinh cho trẻ. Đáng chú ý là đến 90% các trường hợp nhập viện được chuyển lên từ các tỉnh ĐBSCL.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, khuyến cáo rằng bệnh viêm não diễn tiến rất khó lường, di chứng bệnh để lại là vô cùng nguy hiểm, cho nên khi thấy trẻ có các triệu chứng như tri giác lơ mơ, nhức đầu, sốt cao... phụ huynh phải nghĩ ngay các bệnh lý liên quan đến thần kinh và cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.
Viêm não cấp tính thường kéo dài 1-3 tuần, và sự hồi phục cũng rất chậm. Mặc dù đã có thuốc kháng vi rút, nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại vi rút chứ không kháng tất cả các vi rút. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do vi rút.
Ngoài hai bệnh trên, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, trong hai tháng đầu năm, cũng đã tiếp nhận đến 50 ca thủy đậu. Hiện trung bình mỗi ngày có 5-6 ca nhập viện, trong khi những tháng trước không có ca nào. Còn tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong những tuần gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh thủy đậu, trung bình mỗi ngày có khoảng hai ca.
Các bác sĩ nhận định, bệnh thủy đậu đã vào mùa và có khả năng sẽ tăng cao hơn năm trước do thời gian vừa qua thiếu vắc xin thủy đậu, nhiều trẻ không được chích ngừa.
BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cũng cảnh báo mùa nóng vẫn có thể là mùa của bệnh hô hấp. “Theo y văn thế giới, mùa của bệnh hô hấp là mùa lạnh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tại các bệnh viện nhi thì vào những tháng nóng nhất, bệnh nhi có các vấn đề về hô hấp cũng gia tăng. Điều này có thể là do thói quen sử dụng những phương tiện giải nhiệt như máy lạnh, quạt máy chưa phù hợp”, bác sĩ Tuấn giải thích. Ông cho biết thêm, những bệnh hô hấp thường gặp trong mùa này là các dạng viêm đường hô hấp trên (mũi, xoang), dị ứng đường hô hấp...
Vị bác sĩ này cũng lưu ý rằng trẻ em và người già thường dễ nhiễm lạnh hơn nên việc ở lâu trong phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp, phòng có quạt gió thổi trực tiếp sẽ dễ dẫn đến bệnh hô hấp. Theo ông, không nên cho trẻ nhỏ ở quá 3-4 giờ liên tục trong phòng máy lạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ quá chênh lệch so với bên ngoài cũng dễ dẫn đến bệnh, nhất là khi để chúng di chuyển qua lại thường xuyên giữa hai môi trường quá nóng và quá lạnh ấy.
Các bác sĩ khuyên các gia đình nên cân nhắc việc dùng quạt hơi nước, bởi thiết bị này có thể khiến độ ẩm trong phòng quá cao, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Chủ động phòng bệnh
Bộ Y tế vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng. Theo đó, trong hai tháng đầu năm nay, hai dịch bệnh này có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận theo chiều hướng tăng tại các tỉnh, thành phố như TPHCM, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau. Còn dịch bệnh tay-chân-miệng cũng đang bùng phát tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu các địa phương không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch. Việc chủ động phòng chống sẽ hạn chế dịch bùng phát trên diện rộng, giảm thiểu số trường hợp mắc bệnh và tử vong.
Bộ đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với các ban ngành để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao. Theo đó, các địa phương nên tổ chức diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động một tuần/lần, hai tuần/lần tại các khu vực có chỉ số lăng quăng cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại. Song song đó, cần vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng chống bệnh tay-chân-miệng.