Nguyễn Kim Oanh
Nằm trên vùng địa hình đồi núi, khí hậu quanh năm mát mẻ, thành phố tỉnh lỵ Chiang Mai từng là kinh đô của vương quốc Lanna, nay là thành phố lớn thứ năm của Thái Lan, được giới du lịch gọi là “Đóa hồng phương Bắc” của đất nước này.
Chiang Mai đón chúng tôi bằng một cơn gió sáng sớm lạnh tê tái lúc vừa bước ra khỏi xe. Chờ cho trời sáng hẳn, chúng tôi đón xe tuk tuk vào trung tâm thành phố. Bác tài thả chúng tôi xuống ngay cổng chợ Anusarn để tìm khách sạn ở đường Charoen-Lamphun, gần con sông Ping thơ mộng.
Chiang Mai không có nhiều đường phố rộng, không nhiều những ngôi nhà cao tầng. Thành phố này có những kiến trúc cổ kính, nhà phố thấp bé san sát. Khí hậu mát mẻ, cây xanh khắp nơi, đi đâu cũng thấy những ngôi chùa, ngọn tháp vàng lấp lánh trong nắng. Đây là thành phố du lịch phát triển nhất phía Bắc, là nơi thuận tiện để đến các điểm du lịch nổi tiếng như Pai, Mae Hong Son và khu Tam Giác Vàng (Chiang Rai). Các hãng du lịch ở Chiang Mai có bán tour đi trong ngày như tham quan một số chùa trong thành cổ và Doi Suthep; tour đi trại Voi, vườn Lan, làng người cổ dài; hoặc tour đi Chiang Rai – Tam Giác Vàng...
Khám phá Chiang Mai
Nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi lội bộ ra phố tìm thuê xe máy, giá thuê xe một ngày khoảng 300 baht. Chúng tôi chạy vào con đường Ratchiangsaen, Chang Lor song song với phía Nam thành cổ Chiang Mai. Thành phố này còn bảo tồn được bốn cổng thành xây gạch kiên cố đã nhuốm màu theo thời gian, nằm trong trung tâm thành phố. Bên trong thành là quảng trường Ba Vua. Hai ngôi chùa cổ thu hút du khách nhất ở đây là Wat Chiangman và Wat Phrasing; ngoài ra cũng còn hàng chục ngôi chùa khác nằm rải rác. Các khách sạn, nhà nghỉ, trường học, chợ trong thành cũng hoạt động bình thường giống như thành nội ở Huế; ở mỗi cổng thành được trang trí bằng những chậu hoa hồng thắm treo lơ lửng, những giàn dây leo đổ xuống đong đưa theo làn gió.
Từ thành cổ chúng tôi chạy theo đường HuayKaew tới chân núi Doi Suthep khoảng 10 km. Dưới chân núi là vườn thú lớn nhất Chiang Mai nhưng chúng tôi không ghé vào mà chạy thẳng lên núi, đích đến là cung điện Bhubing của hoàng gia Thái Lan nằm trên đồi Buak Ha và chùa Phrathat Doi Suthep nằm trên sườn núi. Đoạn đường từ chân núi lên tới cung điện Bhubing khoảng 15 km đường quanh co, uốn lượn nhưng dốc không cao lắm; chạy khoảng vài cây số thì gặp dòng suối nhỏ chảy róc rách, mát lạnh ngay bên cạnh đường. Những cành đào hồng tươi nở rộ hai bên đường, những chùm hoa màu tím trên thân dây leo vắt quanh trên những hàng cây cao dọc đoạn đường vắng bóng người. Chúng tôi thong dong thưởng ngoạn cảnh đẹp với cảm giác thích thú đến nhẹ nhàng.
Trước cổng vào cung điện Bhubing là những giàn hoa đầy màu sắc đang tỏa hương. Cung điện Bhubing được xây dựng năm 1961, làm nơi nghỉ dưỡng cho hoàng gia Thái Lan mỗi khi có dịp đến đây và cũng là nơi tiếp các đoàn khách quý của hoàng gia. Từ đỉnh đồi cao ở nơi này nhìn xuống các ngọn đồi xung quanh là một màu xanh của rừng núi thấp thoáng trong sương.
Núi Suthep còn có một kiến trúc rất nổi tiếng là chùa Phrathat Doi Suthep. Chùa nằm trên dốc núi ở độ cao khoảng 1.100 m, được xây dựng vào năm 1383 trong thời kỳ Lanna (1296-1768). Muốn lên tới chùa, du khách phải leo khoảng ba trăm bậc thang, hai bên là hai con rồng lớn nằm dài theo những bậc thang, đầu ngẩng lên trời. Cũng có một lối đi bằng cáp treo dẫn lên chùa (giá khoảng 20 baht), nhưng đa phần khách thích lội bộ lên chùa. Phrathat Doi Suthep là ngôi chùa được coi là thiêng liêng nhất ở Chiang Mai, thu hút nhiều tín đồ Phật giáo khắp nơi đến chiêm bái, hành hương, nhất là vào các ngày lễ lớn. Điểm chính của ngôi chùa là ngọn tháp cao được dát vàng, xung quanh tháp có nhiều tượng Phật. Dưới những mái ngói cong vút là dãy chuông bằng đồng, vang lên tiếng ngân mỗi khi ai đó vô tình đi ngang qua khẽ chạm tay vào. Quanh chùa còn có nhiều dãy ghế cho mọi người nghỉ chân và nhìn ngắm phong cảnh quanh núi.
Dạo chợ và thăm làng nghề
Đến Chiang Mai, du khách nên ghé qua các khu chợ đêm dành cho khách du lịch hay đi dạo chợ địa phương – một điều thú vị khi đặt chân đến bất cứ nơi nào lần đầu. Khu chợ đêm sầm uất nhất Chiang Mai là Kalare Night Bazaar. Hàng trăm sạp lớn nhỏ bày bán đủ mặt hàng, từ giày dép, áo ấm, các mặt hàng lưu niệm thủ công, thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, bên cạnh các sản phẩm mỹ nghệ, đèn hoa trang trí, đồ trang sức bằng bạc của một số dân tộc thiểu số và các loại đồ gỗ được chạm trổ tinh vi...
Ngoài chợ đêm Kalare còn có một khu chợ địa phương nằm trên đường Praisanee gần đó. Cũng giống mấy ngôi chợ ở Sài Gòn, được xây dựng khá lâu cho nên chợ hơi cũ, trong nhà lồng chợ bán đủ các loại thực phẩm và hàng hóa gia dụng hàng ngày. Chúng tôi lang thang từ khu gia cầm, các sạp bán thực phẩm khô, các gian hàng rau củ quả tươi ngon, cho đến các xe hàng bán quà bánh ăn vặt. Dạo quanh mấy vòng xong, tôi mua vài thứ mang theo để ăn trên đường đi thăm làng nghề làm dù Bor Sang.
Làng nghề làm dù Bor Sang nằm cách trung tâm thành phố 8 km về phía Đông, thuộc quận San Kampang. Do chúng tôi đến đúng dịp nơi đây sắp diễn ra lễ hội truyền thống (tuần thứ ba của tháng 1 hàng năm), nên lúc sắp đến cổng vào làng, hai bên đường trang trí những chiếc dù bằng giấy nhiều màu sắc. Cả dãy phố như được khoác lên những chiếc áo mới, đâu đâu cũng treo đầy dù, từ các cửa hàng, quầy hàng lưu niệm cho đến các quán cà phê.
Nói đến lịch sử của những làng nghề nơi đây, ít nhiều nó gắn liền với vương quốc Lanna xưa. Bor Sang cũng vậy, làng nghề này đã tồn tại nhiều thế kỷ. Một sản phẩm thủ công được làm ra phải qua nhiều công đoạn, dù ở đây đa phần làm bằng khung tre dán giấy truyền thống, các họa tiết mà các nghệ nhân vùng này hay vẽ trang trí lên sản phẩm thường là hoa, lá, cây cỏ. Do sản phẩm này gọn nhẹ, nhiều tính năng sử dụng nên rất được du khách lựa chọn mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay kỷ niệm về một chuyến du lịch vùng Tây Bắc Thái Lan mang đậm màu sắc văn hóa bản địa.