Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Chọn nơi cho con học toán

Đức Tâm

Trong suy nghĩ của nhiều người, muốn con học giỏi thì toán là môn học đầu tiên được nghĩ đến, bởi đây là môn học quan trọng và gắn bó xuyên suốt cuộc đời học vấn của trẻ. Do vậy, nhiều phụ huynh thường tìm nơi cho con học thêm môn toán và họ có không ít sự phân vân giữa một “thị trường toán học”.

Có hàng loạt trung tâm dạy toán thông minh cho trẻ được thành lập. Mỹ có, Nhật có, Hàn Quốc có và Việt Nam cũng có. Mỗi trung tâm đều có những thế mạnh riêng và phù hợp với những học sinh khác nhau.

Mỗi chương trình một cách dạy

Đến từ Mỹ là hệ thống toán tư duy Mathnasium. Mathnasium được nghiên cứu và phát triển bởi giáo sư toán học người Mỹ Larry Martine từ những năm 1970. Triết lý của Mathnasium là giúp học sinh thay đổi thái độ với môn toán, trở nên yêu thích môn học này, từ đó mang đến sự tự tin và rồi kho tàng trí thức sẽ mở ra.

Nhật Bản thì có chương trình dạy toán Kumon được sáng lập bởi ông Toru Kumon – một giáo viên toán, người tin tưởng rằng sự thành thạo kỹ năng tính toán là chìa khóa giúp học sinh ứng dụng vào các khái niệm toán học sau này. Do vậy, giáo trình Kumon tập trung phát triển kỹ năng tính toán cho học sinh, đặc biệt là kỹ thuật tính nhanh và tính nhẩm.

Các bé tìm hiểu về hình tam giác trong một giờ học hình học. Ảnh: Đỗ Thị Thùy Linh
Các bé tìm hiểu về hình tam giác trong một giờ học hình học. Ảnh: Đỗ Thị Thùy Linh

[box type="download"] Về mặt lý luận, theo thạc sĩ toán học Trần Thị Thùy Nương, mỗi trung tâm đều có điểm mạnh riêng, có thể phù hợp với em này nhưng chưa chắc phù hợp với em khác. Do vậy, phụ huynh nên dành thời gian đến trung tâm tìm hiểu về giáo trình, giáo viên và môi trường học tập; đối với những phụ huynh không rành về toán học, giải pháp cuối cùng là tìm hiểu thông qua những phụ huynh khác, hoặc qua những học sinh là bạn của con mình.[/box]

Thị trường các trung tâm dạy toán còn có sự góp mặt của SuperBrain. Chương trình này đào tạo học sinh theo hướng kết hợp giữa phương pháp FingerMath (tính toán nhờ sử dụng bàn tay) và bàn tính Soroban của Nhật Bản. Qua đó, giúp trẻ tính toán với tốc độ nhanh, chính xác, và tăng khả năng tập trung, ghi nhớ.

Bên cạnh các trung tâm toán nước ngoài, chương trình toán thông minh Việt Nam của Trung tâm giáo dục Titan là một địa chỉ có thể tham khảo. Ở bậc tiểu học, Titan có hai lớp toán cho học sinh. Một lớp toán nâng cao, dạy mở rộng so với chương trình sách giáo khoa và một lớp toán thông minh (IQ), dành cho các học sinh có năng khiếu đặc biệt về toán học. Ở lớp toán IQ, học sinh sẽ được dạy về tư duy logic, khả năng biện luận… Chương trình toán IQ do hai tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM và Nguyễn Văn Lượng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành soạn thảo dựa trên kinh nghiệm mấy chục năm dạy học của mình.

[box type="bio"] Nếu các bậc phụ huynh muốn con mình tính nhanh, ngoài các phương pháp như Fingermath, Soroban, có thể tìm hiểu thêm toán học Vệ Đà của Ấn Độ. Hiện tài liệu này bằng tiếng Việt chưa phổ biến nhưng chỉ cần một chút vốn tiếng Anh, chắc chắn phụ huynh sẽ khám phá ra những cách tính nhanh vô cùng thú vị. Từ khóa tiếng Anh là Vedic Math. Nếu không biết tiếng Anh, phụ huynh có thể đánh từ này trên YouTube và xem các bài giảng trực tiếp cho trực quan.

Ví dụ: tính 17x18, đáp số nhanh sẽ là 306. Cách tính: 8x7 = 56, ghi 6 ở hàng đơn vị, nhớ 5. Lấy 17+8 = 25, nhớ 5 là 30. Ghi 30 trước số 6. Ta được kết quả là 306. Tương tự ta có thể tính nhanh 18x19 = 342.[/box]

Chia sẻ của một người mẹ

Để chọn một trung tâm phù hợp với con mình thật sự không dễ. Chia sẻ về kinh nghiệm chọn trung tâm toán học cho con mình, chị Trần Thị Kim Hiền cho biết: “Đầu tiên tôi lên mạng tìm hiểu và chọn ra hai trung tâm để đến tận nơi khảo sát. Đến trung tâm thứ nhất, tôi thử đặt câu hỏi với giáo viên đứng lớp: học toán để làm gì? Giáo viên này ú ớ, không trả lời được. Vậy là tôi dành buổi tiếp theo đến trung tâm thứ hai”.

Buổi đầu tiên tại trung tâm thứ hai, chị Hiền cũng hỏi giáo viên một vài ý nghĩa về học toán, phương pháp học… và tạm hài lòng với các câu trả lời. Chị xin xem giáo trình và tham khảo ba tập hồ sơ của ba học sinh khác nhau cùng một cấp độ. Xem xong, hôm sau chị dẫn con đi kiểm tra năng lực xếp lớp vì cảm thấy hài lòng với cách làm việc của trung tâm. Thứ nhất, hồ sơ các em được quản lý rất cẩn thận, ngăn nắp và khoa học. Thứ hai, bài tập về nhà (các em được phát bài tập về làm ở nhà, sau đó phải nộp lại trung tâm và tất cả được lưu vào hồ sơ) của các em hoàn toàn khác nhau, mặc dù các em học cùng một cấp độ. Hỏi ra mới biết, mỗi em có một thế mạnh riêng nên bài tập dành cho từng em phải khác biệt để tránh sự nhàm chán, đồng thời tạo hứng thú học tập. Cuối cùng là nội dung bài tập rất trực quan và đòi hỏi sự suy luận chứ không đơn thuần là tính toán.

Trong thời gian chờ con làm bài kiểm tra năng lực, chị Hiền tranh thủ xem qua các lớp học và nhận thấy giáo viên thân thiện, môi trường và cơ sở vật chất học tập rất tốt. Thêm nữa, những nhận xét tư vấn của trung tâm sau khi hoàn tất bài kiểm tra càng giúp chị yên tâm hơn.

“Cứ mỗi tối thứ 2 và thứ 6, bé đều háo hức đến lớp học. Bài tập về nhà là bé tự giác làm ngay. Chỉ qua hai yếu tố này, tôi thấy bé đã có niềm đam mê và chủ động học tập. Như vậy là quá đủ”, chị Hiền hài lòng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng con trẻ học toán qua mạng

0
Đức Tâm “Tối nào không phải đi học ngoại ngữ là em đều xin phép cha mẹ dùng máy tính để giải toán qua Internet...

Kết nối