Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

14 hiệp hội ngành hàng kiến nghị điều chỉnh định mức chi phí tái chế

Các hiệp hội ngành hàng đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt Nam, thực tiễn tái chế và mức phí tái chế trung bình thị trường. Theo dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số định mức Fs của Việt Nam cao hơn hai lần so với mức Fs trung bình của các nước Tây Âu.
Chế biến thuỷ sản là nhóm ngành bị ảnh hưởng nếu định mức chi phí tái chế Fs quá cao. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

TTXVN đưa tin, ngày 22-8, các hiệp hội, ngành hàng cho biết đã đồng loạt có thư kiến nghị gửi lên lãnh đạo các bộ, ngành trung ương về việc xem xét lại một số bất cập, vướng mắc liên quan đến cách tích và triển khai thu chi phí tái chế được đưa ra trong dự thảo định mức chi phí tái chế.

Có 14 hiệp hội gồm 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đã gửi thư lên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 8 bộ, ngành có liên quan đề nghị xem xét tháo gỡ hai vấn đề liên quan đến dự thảo là định mức chi phí tái chế Fs cao bất hợp lý và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR).

Đại diện các hiệp hội như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM… cho rằng việc xác định Fs (định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu) sẽ quyết định lớn đến số tiền mà doanh nghiệp phải đóng góp.

Tuy nhiên, trong Dự thảo được Bộ Tài nguyên Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27-7-2023 vừa qua, định mức Fs của nhiều loại bao bì, vật liệu được đề xuất cao bất hợp lý, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất, kinh doanh.

Một số định mức chi phí tái chế Fs cao hơn cả mức Fs trung bình của các nước Tây Âu (là những nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ), điển hình như Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần… Trong khi chi phí tái chế của Việt Nam chỉ bằng 1/2-1/3 Tây Âu vì chi phí nguyên vật liệu và công nghệ như nhau nhưng chi phí nhân công của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của các nước này.

Nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn, chưa trừ đi giá trị thu hồi được từ hoạt động tái chế. Theo tính toán của các hiệp hội, chỉ ba loại bao bì từ giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế phải nộp ước tính là 6.127 tỉ đồng mỗi năm.

Trong số này hơn 50% phí tái chế phải nộp (khoảng 3.064 tỉ đồng/năm) là để hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton, trong khi nhà tái chế chính thức đang có lãi lớn mà chưa cần hỗ trợ. Riêng tái chế lon nhôm, ước tính các nhà tái chế chính thức thu lãi khoảng 700 tỉ đồng đến 1.286 tỉ đồng/năm, tái chế bao bì sắt và giấy cũng đang có lãi lớn.

Văn bản kiến nghị của các hiệp hội nêu rõ, việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nộp thêm nhiều ngàn tỉ đồng để hỗ trợ cho nhà tái chế đang có lãi lớn là rất bất hợp lý. Bên cạnh đó, các ngành hàng còn phải gánh thêm hàng ngàn tỉ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác, đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.

Vì vậy, các hiệp hội ngành hàng đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO), thực tiễn tái chế của Việt Nam và mức phí tái chế trung bình thị trường.

Cụ thể, áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn nhiều chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại gồm cả nhôm và sắt, bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo); tiền đóng góp chỉ nên dùng để hỗ trợ việc thu gom sản phẩm, bao bì ở các vùng sâu, vùng xa, không dùng để hỗ trợ doanh nghiệp tái chế đang có lãi.

Với các loại bao bì khác, đề xuất áp dụng hệ số 0,3 cho bao bì giấy hỗn hợp (dự thảo 0,6); áp dụng hệ số 0,2 cho nhựa cứng PET và 0,3 cho nhựa cứng HDPE (dự thảo 0,4) để phù hợp với thực tế và khuyến khích nhà sản xuất chuyển HDPE sang PET dễ tái chế hơn.

Với bao bì đơn vật liệu mềm, áp dụng hệ số 0,3 (dự thảo 0,6); bao bì đa vật liệu mềm áp dụng hệ số 0,4 (dự thảo 0,8), với bao bì thủy tinh áp dụng hệ số 0,2 thay cho 0,6 theo dự thảo.

Các hiệp hội cũng đề nghị áp dụng hệ số Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam, và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm phương tiện giao thông có hiệu quả tái chế từ 81%-85% theo ISO và kinh nghiệm của Nhật Bản, vì vậy hiệp hội kiến nghị áp dụng Fs trong khoảng 0,15-0,19 để hỗ trợ xử lý những phần khó hoặc không có giá trị tái chế.

Theo các hiệp hội ngành hàng, nếu được điều chỉnh hệ số Fs như kiến nghị, ước tính phí tái chế ba loại bao bì giấy, nhựa và kim loại giảm hơn 50% so với dự thảo, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hài hòa được cả hai mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các hiệp hội cũng đề xuất tháo gỡ bất cập trong nội dung thực hiện đóng góp tái chế trong dự thảo. Cụ thể là thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào tháng 4-2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề xuất cho kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế với phần bao bì chưa thực hiện tái chế trong cùng năm thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức như dự thảo nêu.

Các hiệp hội mong muốn lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo Ban soạn thảo Dự thảo xem xét các kiến nghị nêu trên để điều chỉnh hệ số Fs cho hợp lý, hướng tới kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

N.Tân

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyện về anh họa sĩ ‘điên’ biến phế liệu thành tác...

0
(SGTT) - Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã...

Công bố danh sách 24 công ty đủ năng lực tái...

0
(SGTT) - Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia vừa công bố danh sách 24 công ty có đủ năng lực để thực hiện...

Xu hướng trang sức làm bằng vật liệu tái chế từ...

0
Một số thương hiệu trang sức đang tận dụng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử vứt bỏ như điện thoại...

Kết nối