Theo chỉ số xếp hạng TTDI (Travel & Tourism Development Index) 2021, Việt Nam xếp hạng 52 trong 117 nền kinh tế được đánh giá. So với kết quả năm 2019, Việt Nam là nước tăng thứ hạng nhiều nhất, từ vị trí 60 lên 52 khi điểm xếp hạng tăng 4,7%.
- Du lịch hè nội địa ‘kém ưu thế’ so với du lịch ngoài nước
- Du lịch Hà Nội thu 630 tỉ đồng trong hai ngày Blackpink biểu diễn
TTDI là phiên bản mới của TTCI (Travel & Tourism Competitiveness Index) vốn là một chỉ số xếp hạng quan trọng của ngành du lịch thế giới. Dựa vào 112 chỉ số của 17 trụ cột của TTDI, có thể thấy du lịch Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy vậy, cơ hội sẽ trôi qua nếu chúng ta không nỗ lực cải thiện.
Từ chỉ số cạnh tranh đến chỉ số phát triển
Được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào năm 2007, bảng xếp hạng TTCI cho thấy việc lượng hóa sức hút và khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới trong lĩnh vực lữ hành và du lịch. Đến năm 2021, TTCI được phát triển thành TTDI khi nhấn mạnh hơn các yếu tố phát triển bền vững. Cũng như các bảng xếp hạng quốc tế uy tín khác, bảng xếp hạng TTDI có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển của ngành du lịch của một nền kinh tế: được xếp hạng cao thì thu hút nhà đầu tư, thu hút du khách, từ đó có thêm nguồn lực để phát triển và ngược lại. Do đó, các nước đều nỗ lực để cải thiện vị trí xếp hạng của mình.
Các nguồn lực tự nhiên, văn hóa, phi giải trí (non-leisure) là các yếu tố chính trong việc thu hút du khách nhưng đây chỉ là 3/17 trụ cột của TTDI. Các trụ cột khác được xếp vào bốn nhóm chính khác đó là: môi trường tạo điều kiện (Enabling Environment), các điều kiện khuyến khích (Travel and Tourism Policy and Enabling Conditions), hạ tầng (Infrastructure) và sự bền vững (Travel and Tourism Sustainability).
Việc lãng phí và hủy hoại các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa hay không đầu tư đúng và đủ vào các trụ cột còn lại (cũng quyết định đến điểm số và thứ hạng TTDI) đều làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Chính vì vậy mà có những nền kinh tế, mặc dù điều kiện tự nhiên và văn hóa không có gì xuất sắc so với Việt Nam (theo cảm nhận của người viết sau khi đã có những trải nghiệm) nhưng vẫn được xếp hạng cao và thu hút nhiều du khách, như một số nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu. Lấy ví dụ như vùng Algarve của Bồ Đào Nha, ngoài bãi biển và một số nơi có vách đá thì danh lam thắng cảnh hầu như chẳng có gì. Nhưng đây là một trong những nơi đóng góp rất lớn cho ngành du lịch của Bồ Đào Nha. Với những ai đã đi Indonesia, Malaysia, Thái Lan khi so về thắng cảnh tự nhiên thì có lẽ đều tự hào với Việt Nam.
Còn có các trụ cột quan trọng khác quyết định đến điểm số và thứ hạng, trong đó có thể kể đến như môi trường kinh doanh, sự an toàn, vệ sinh và sức khỏe, nguồn nhân lực, cạnh tranh về giá cả, hạ tầng giao thông, sự phát triển bền vững. Có những quốc gia thu hút nhiều du khách và ngành du lịch phát triển là nhờ chú trọng và đẩy mạnh các trụ cột này để bù lại cho sự hạn chế của các nguồn lực tự nhiên, văn hóa.
Nghĩ về ngành du lịch Việt Nam
Du lịch là một ngành có đóng góp khá quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, du lịch đã đóng góp khoảng 9% GDP với doanh thu khoảng 33 tỉ đô la Mỹ. Trong số này, du khách quốc tế mặc dù chỉ chiếm một phần năm nhưng đóng góp ba phần năm doanh thu của ngành du lịch. Tuy vậy, mức chi tiêu/ngày bình quân của du khách nước ngoài ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ 117,8 đô la Mỹ/ngày (số liệu năm 2019), và phần lớn chi cho ăn ở, đi lại.
Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao đến từ các nước phát triển như châu Âu hay Bắc Mỹ vẫn còn hạn chế. Một khảo sát mới đây ở Pháp cho thấy trung bình một hộ gia đình Pháp dành ngân sách chi tiêu cho kỳ nghỉ hè 2023 ở trong nước khoảng 2.000 euro, con số này nếu du lịch nước ngoài thì phải gấp 4-5 lần. Do đó, nếu Việt Nam là điểm đến của các gia đình này thay cho Thái Lan hay Indonesia thì doanh thu ngành du lịch sẽ tăng đáng kể.
Không thể phủ nhận Việt Nam là đất nước có nhiều nguồn lực tự nhiên và văn hóa để thu hút du khách. Thế nhưng việc khai thác các nguồn lực này chưa hợp lý đã hạn chế tiềm năng rất nhiều. Chẳng hạn du khách sẽ rất thích những gì tự nhiên, càng hoang sơ càng hấp dẫn nhưng nhiều địa điểm du lịch ở Việt Nam đã phá vỡ cảnh quan bởi các công trình nhân tạo.
Hoặc như một bãi tắm đẹp sẽ làm thất vọng du khách khi từ trên máy bay nhìn xuống, họ thấy các trang trại nuôi trồng thủy hải sản ngay cạnh đó, vì họ rất quan ngại cho sự an toàn nguồn nước.
Đã có nhiều ý kiến đóng góp về những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam như thiếu vắng các hoạt động về đêm, các hoạt động giải trí, mua sắm ở các địa điểm du lịch, việc chặt chém du khách, sự yếu kém tiếng Anh của nhân lực ngành du lịch, hay hạ tầng giao thông. Và để cải thiện ngành du lịch thì các điểm yếu này cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.
Bộ khung chỉ số phát triển Lữ hành và Du lịch – TTDI của WEF là một tham chiếu rất quan trọng để ngành du lịch biết đâu là các chỉ số thành phần để từ đó cải thiện và đầu tư phát triển. Việc lãng phí và hủy hoại các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa hay không đầu tư đúng và đủ vào các trụ cột còn lại đều làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Khi thu hút càng nhiều du khách quốc tế thì cũng là giảm được một phần lượng du khách Việt Nam đi nước ngoài vì họ biết rằng Việt Nam còn nhiều nơi rất đáng để đi tham quan, nghỉ dưỡng trong các kỳ nghỉ của mình và gia đình.
TS. Võ Đình Trí
Theo KTSG Online