Ngân hàng Phát triển Đức đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT để thúc đẩy hai dự án liên quan đến phát triển hệ sinh thái rừng và kiểm soát dịch bệnh từ động vật lây sang người.
- Thế giới mất 10% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trong năm 2022
- Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc trong năm qua đạt hơn 42%
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) đã có buổi làm việc với cơ quan này để thúc đẩy cho hai dự án, gồm bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đồng bằng sông Hồng và phòng chống lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người thông qua việc kiểm soát, giảm thiểu buôn bán và săn bắn động vật hoang dã. Dự kiến hai dự án này sẽ bắt đầu trong quí 3 hoặc quí 4 năm nay.
Ngoài ra, theo phía Ngân hàng Phát triển Đức, còn có thêm hai dự án mới đang được Chính phủ hai nước xem xét và đàm phán vào cuối năm nay là dự án hệ thống gỗ có kiểm soát (VPA-FLEGT) và dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng có sự tham gia của người dân (KfW9).
Theo Bộ NN&PTNT, trong chiến lược hợp tác phát triển mới với Việt Nam của chính phủ Đức, lĩnh vực lâm nghiệp là một trong ba lĩnh vực được lựa chọn là trọng tâm của hợp tác và ở trong kỳ cam kết ở cấp chính phủ cho năm 2023 chủ yếu tâm trung vào lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong 25 năm qua, KfW đã hỗ trợ hơn 10 dự án tại Việt Nam với quy mô tổng vốn tài trợ lên đến khoảng 100 triệu euro. Theo Bộ NN&PTNT, ở một góc độ nào đó các dự án được hỗ trợ từ KfW đã đóng góp vào sự phát triển và gia tăng tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ 28% vào năm 1995 lên trên 42% như hiện nay.
N.N
Theo Kinh tế Sài Gòn Online