Hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vừa bị thu hồi giấy phép do không đảm bảo điều kiện về ký quỹ, cơ sở vật chất. Một số công ty khác bị xử phạt hành chính do những nguyên nhân như không theo quy định về thanh lý hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Hơn 72.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm
- Nhật Bản mở cánh cửa cư trú vĩnh viễn cho lao động nước ngoài
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành các quyết định xử phạt hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thu hồi giấy phép hoạt động. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này không đảm bảo điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử để đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các doanh nghiệp này vẫn sẽ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó có việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đã xuất cảnh; giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng.
TTXVN cho biết, hồi đầu tháng 7-2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cũng có quyết định xử phạt hành chính 3 công ty xuất khẩu lao động với số tiền 325 triệu đồng.
Nguyên nhân xử phạt là do các công ty ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng; không theo quy định về thanh lý hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đóng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài không đúng thời hạn…
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online