(SGTT) - Khánh Lê là đường đèo nối Đà Lạt và Nha Trang, với chênh lệch độ cao giữa chân đèo và đỉnh đèo thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Do đó, khi chinh phục con đèo này, du khách sẽ được ngắm cảnh sắc thiên nhiên thay đổi liên tục.
Đèo Khánh Lê dài trên 30km, chạy từ độ cao 200m đến 1.700m so với mực nước biển, qua những địa hình hiểm trở. Đây là một trong những con đèo hùng vĩ nhất Việt Nam.
Đi qua đèo Khánh Lê, du khách có cơ hội thưởng ngoạn phong cảnh ấn tượng. Nếu dưới chân đèo là vùng khí hậu khô nóng với những cánh rừng lá rộng thì đỉnh đèo là khí hậu mát lạnh với những khu rừng lá kim.
Ngoài tên gọi Khánh Lê theo như bảng tên được đặt ở chân đèo, con đèo này còn được gọi là đèo Khánh Vĩnh, vì phần đèo thuộc tỉnh Khánh Hòa nằm ở huyện Khánh Vĩnh; hay đèo Bidoup, vì nằm trong vườn quốc gia Bidoup ở phía tỉnh Lâm Đồng.
Trong khu vực đèo có đỉnh núi Hòn Giao, nên có khi người ta gọi là đèo Hòn Giao. Con đèo có hình giống chữ Omega (Ω) trong tiếng Hy Lạp, nên cũng được gọi là đèo Omega. Phần chân đèo thuộc tỉnh Lâm Đồng là nơi cư trú của người K’Ho thuộc buôn K'Long K'Lanh, nên đèo cũng có tên là đèo K'Long K'Lanh.
Đèo Khánh Lê được xây dựng năm 2004, đi vào hoạt động năm 2007, rút ngắn khoảng 80km cho quãng đường di chuyển giữa Đà Lạt và Nha Trang. Một phần của đèo Khánh Lê nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà của tỉnh Khánh Hòa và phần còn lại nằm trong Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà của tỉnh Lâm Đồng.
Vì vậy, những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn là hình ảnh chủ đạo xuyên suốt hành trình qua đèo Khánh Lê. Đây cũng là khu vực hiếm hoi còn bảo tồn được nhiều loài động, thực vật đặc hữu của hệ sinh thái Tây Nguyên và Nam Trung Bộ như rừng lùn, rừng rêu, chim mi Langbiang, vượn má xám, đỗ quyên, tùng, bách xanh, pơ mu, thông đỏ…
Là một trong những đường đèo dài nhất Việt Nam, cộng thêm chênh lệch độ cao giữa đỉnh và chân đèo khá lớn, nên thời tiết trên đèo Khánh Lê thay đổi liên tục. Trên cùng một lần qua đèo, du khách có thể gặp nắng, gió, mây mù, thậm chí là mưa. Đổ đèo vào ngày nắng ráo, du khách có thể chiêm ngưỡng quang cảnh đèo Khánh Lê một cách rõ ràng nhất.
Bắt đầu ra khỏi Đà Lạt lúc sáng sớm theo quốc lộ 27C, đến khi nắng ấm chiếu qua những hàng thông là lúc du khách bắt đầu vào những dốc cua thoai thoải của đèo Khánh Lê.
Khi qua khỏi vườn thú ZooDoo, những khúc cua "gắt" độ bắt đầu xuất hiện. Từ những mỏm đất trống nhô ra, du khách có thể quan sát núi rừng bên dưới, lúc này vẫn là những rừng thông. Xa xa là các dãy núi nối tiếp nhau, tất cả đều phủ đầy cây xanh.
Qua khỏi xã K’Long K’Lanh, tức khu vực bắt đầu vào đèo Khánh Lê ở phía Lâm Đồng, đường đi bắt đầu dốc và nguy hiểm hơn. Những ai muốn tự lái xe ở đèo Khánh Lê đều phải có tay lái cứng và thật tập trung trong lúc lái xe. Có những đoạn đường dốc đứng, lại có đoạn vừa xuống dốc liên tục, vừa uốn lượn trong khi tầm nhìn lại rất hạn chế.
Khi thấy biển hiệu “Độ cao 1500m” là du khách đã đến điểm cao nhất của đường đèo. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, thấy được quang cảnh đường đèo và núi non xung quanh. Nếu đi sau một ngày mưa, nơi đây là biển mây bồng bềnh hoặc sương mù giăng lối, nhưng vào ngày đẹp nắng thì du khách sẽ nhìn rõ thung lũng lẫn các nếp đồi.
Qua khỏi mốc độ cao 1.500m là đến khu vực thác nước đèo Khánh Lê. Đây là nơi dừng chân có tầm nhìn xuống thung lũng, hai bên là những núi được rừng rậm bao phủ. Giữa rừng lộ ra một vách đá, nơi nước sẽ đổ xuống đây thành dòng thác lớn vào mùa mưa, tạo nên cảnh quan hùng vĩ.
Tuy nhiên nước đổ quá nhiều cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho những người đi trên đèo. Giao thông trên đèo Khánh Lê đã nhiều lần bị gián đoạn vì mưa lũ làm sạt lở đất. Vào mùa khô, con thác chỉ còn là một dòng nước hẹp.
Khi bắt đầu xuống dốc về phía Khánh Hòa, thực vật trên đèo bắt đầu thay đổi. Thay cho rừng thông là những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, đặc trưng cho hệ sinh thái Tây Nguyên - Nam Trung Bộ. Nếu có cơ hội đi vào những cánh rừng này, du khách cũng sẽ thấy hệ động vật ở đây cũng không kém phần phong phú.
Càng xuống dưới chân đèo, đồi núi bớt nhấp nhô. Chạy thêm vào chục cây số nữa xuyên qua những ruộng lúa xanh rì là du khách tiến vào địa phận thành phố Nha Trang.
Đèo Khánh Lê được đánh giá là một trong những đường đèo đẹp của Việt Nam, nên nếu có dịp đi từ Đà Lạt đến Nha Trang hoặc ngược lại, du khách nên thử “phượt” con đèo này một lần.
Cảnh đẹp trên đèo mang nhiều sắc thái khác nhau vào ngày nắng, ngày nhiều mây hoặc ngày nhiều sương mù, là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai yêu thiên nhiên và yêu nhiếp ảnh. Du khách cũng cần chú ý giữ an toàn mỗi khi qua cung đèo, nhớ đi vào ngày có thời tiết tốt và lái xe cẩn thận.
Thi Ân