Sau khi kết nối liên thông dữ liệu với Bộ Công an, ngành giao thông vận tải sẽ áp dụng biện pháp chế tài là từ chối đăng kiểm đối với xe chở quá tải đã bị phạt nguội mà chưa đóng phạt.
- Thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì… quá tải đăng kiểm xe
- Chính thức miễn đăng kiểm xe lần đầu, giãn chu kỳ cho 3,2 triệu ô tô
TTXVN dẫn thông tin từ Cục Đường bộ cho biết, cục đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Công an, Cục Đăng kiểm để cưỡng chế, xử lý với những chủ xe vi phạm chở quá tải nhưng không nộp phạt theo hình thức từ chối đăng kiểm.
Hiện nay lực lượng chức năng kiểm soát xe quá tải đã được phân cấp, phân quyền đồng bộ, rõ ràng hơn khi cảnh sát giao thông kiểm tra trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ. Thanh tra giao thông vận tải đường bộ kiểm tra tập trung đầu nguồn hàng, bốc xếp dỡ.
Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải đã giảm mạnh nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp tại các địa phương có nhiều mỏ vật liệu hoặc giáp biên giới.
Mặc dù hiện tượng xe quá tải đã giảm 90 – 92% nhưng tỷ lệ vi phạm vẫn còn khoảng 8 – 10%. Hiện vẫn còn xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Đường bộ tham mưu, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải nhân rộng mô hình kiểm tra tải trọng xe tự động tại quốc lộ 5 áp dụng cho hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống quốc lộ và các trục đường có nhiều xe tải lưu thông để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, nhằm bảo vệ công trình đường bộ, giảm tai nạn giao thông.
N.Tân
Theo Kinh tế Sài Gòn Online