(SGTT) - Làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch Mang Thít nằm dọc theo dòng sông Cổ Chiên, sông Cái Nhum, dòng kênh Thầy Cai và các tuyến đường huyết mạch, trải nhựa thẳng tắp thuộc huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long ngày đêm đỏ lửa, đón chờ du khách tham quan, khám phá.
- Đi tìm dấu ấn riêng cho du lịch Vĩnh Long
- Vĩnh Long bảo tồn di sản gạch, gốm truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc thù
Các dòng sông ở huyện Mang Thít hầu như đều bắt nguồn từ hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Vì thế, vùng đất Mang Thít, Vĩnh Long hàng năm vẫn luôn nhận được lượng phù sa dồi dào, bồi đắp nguồn đất đỏ nguyên sinh giàu giá trị cho vùng đất nơi đây.
Làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch đã xuất hiện ở huyện Mang Thít từ lâu đời và đây là một trong những địa phương có lò gạch, gốm thủ công lớn bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc sống của người dân địa phương đều gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, từng lò gạch luôn cháy lửa bập bùng.
Có dịp tham quan lò gạch nơi đây, du khách không khỏi thích thú trước những hình ảnh hàng trăm lò gạch đã phủ màu thời gian nằm thẳng tắp, và những câu chuyện về làng nghề gạch gốm lần đầu tiên được nghe kể… Ngày ngày, người dân vẫn tất bật cho công việc chuẩn bị nguyên liệu đất sét, vào khuôn gạch, phơi gạch, đốt lò nung gạch…
Sản xuất gạch, gốm không những là thế mạnh của vùng, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ mang giá trị về kinh tế, hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm “tòa lâu đài” nhỏ, được bố trí dọc theo tuyến Kênh Thầy Cai và tỏa ra các vùng phụ cận tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình.
Lò nung gạch truyền thống là di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất có sự kết hợp giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.
Theo cổng TTĐT tỉnh huyện Mang Thít, tính đến nay, trên địa bàn huyện còn 61 cơ sở gạch - gốm với 64 miệng lò vẫn còn hoạt động. Sản xuất gạch, gốm tuy không còn rầm rộ như trước nhưng một số “miệng lò” vẫn ngày đêm đỏ lửa, sản xuất gạch và thu hút du khách đến tham quan, khám phá.
Năm 2021, Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng.
Mục tiêu của đề án này nhằm bảo vệ và phát triển “Vương quốc gạch” Mang Thít trở thành một quần thể Di sản đương đại, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Lê Dân Nam