(SGTT) - Hằng năm, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, hoa ô môi lại nở rực một góc quê, bên các nhánh sông, các tuyến đường quê ở An Giang. Cây ô môi thường mọc tự nhiên, ra hoa thành từng chùm, mang sắc đỏ, hồng rực rỡ mang đến một cảm giác nhẹ nhàng và gần gũi.
- Kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Khmer ở Tịnh Biên, An Giang
- Cắm trại trên đỉnh Cô Tô, ngắm trọn vẻ đẹp vùng biên An Giang
Hoa ô môi, hay còn được gọi là “anh đào miền Tây” có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cây ô môi có thân gỗ cao 10 - 20m, thích hợp với thổ nhưỡng miền Tây Nam Bộ nên được trồng làm cảnh và lấy bóng mát.
Vào những dịp này, dạo quanh vùng đất An Giang sắc đỏ, hồng rợp trời của hoa sẽ góp phần làm dịu đi cái nắng chói chang, mang đến cho con người cảm giác dễ chịu như vừa lạc lối đến chốn bình yên, thơ mộng.
Những con đường ô môi ánh sắc hồng, khiến nhiều người ấn tượng với vẻ đẹp kiêu sa của loài hoa dân dã này.
Hoa tàn rụng sẽ hình thành trái ô môi hình trụ dẹt dài 40-60cm, hơi cong, đường kính 3-4cm. Trái ô môi có màu xanh, sau đó chuyển sang màu đen báo hiệu mùa trái chín của cây ô môi. Khi trái chín, toàn bộ từ vỏ trái cho tới thịt bên trong đều có màu đen sẫm.
Do trái có hình trụ dài nên khi ăn phải chặt ra từng khúc, dùng dao vạt bỏ vỏ hai bên, rồi dùng ngón tay cầm hai sống còn lại của trái ô môi đẩy tới đẩy lui vài lần là có thể lấy phần thịt của trái để ăn.
Những ngày này, ở miền Tây đón nhận những ngày nắng nóng. Thế nhưng, những chùm hoa ô môi đong đưa trong gió, sắc hồng như nhuộm một góc trời thân thương đã làm vơi đi cái nắng oi bức đầu Hè.
Trương Hoàng Hân