(SGTT) – Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm tham quan nổi bật tại Quảng Trị bởi giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu. Bên cạnh đó, ngoài việc tìm hiểu về hệ thống đường hầm kỳ vĩ, đến đây mùa này, du khách còn có dịp khám phá bãi đá phủ rêu xanh đầy ấn tượng.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…
Các đường hầm được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất.
Theo đó, địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có nhiều cửa ra vào.
Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như bảng tin, nhà hộ sinh, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm).
Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày... Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.
Vào những ngày giữa tháng 2-2023, khu vực bãi biển tại địa đạo Vịnh Mốc phủ đầy rêu xanh, tạo bất ngờ cho du khách tham quan. Khi thủy triều xuống, những thảm rêu xanh bắt đầu lộ ra, tạo nên quang cảnh ấn tượng.
Tuy nhiên, do có rêu xanh nên dễ dẫn đến tình trạng trơn trượt… du khách khi đến đây nên đi giày bệt và cẩn thận.
Một số hình ảnh khác tại bãi đá rêu ở địa đạo Vịnh Mốc:
Nguyên Phong