Công nghệ đang len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống, đồng hành cùng rất nhiều người từ mỗi sớm mai thức dậy cho đến khi chìm vào giấc ngủ lúc đêm khuya. Nhưng mỗi chúng ta đều có thể lựa chọn cho riêng mình việc dùng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống, thỏa mãn những niềm đam mê hay xem nó như là sự lệ thuộc bắt buộc.
Tôi đã rất ấn tượng với bộ phim Minority Report với nam diễn viên tài ba Tom Cruise thủ vai chính ra mắt vào năm 2002. Khi mọi người còn đang mừng rỡ với việc sở hữu chiếc điện thoại màn hình màu đầu tiên của Nokia thì nhân vật chính trong phim sống ở tương lai đã thành thục các thao tác chạm, quẹt trên những thiết bị kỹ thuật tối tân.
Mười sáu năm trôi qua, những điều trong bộ phim đã dần trở thành hiện thực, tạo ra những sự thuận tiện mà con người chưa từng mơ đến, và thời gian để ra đời những sản phẩm mới đem lại sự tiện lợi cao hơn cho con người ngày càng nhanh, có thể nói là hằng ngày hằng giờ.
Từ chiếc điện thoại Nokia
Năm 2002 ai có được một chiếc điện thoại di động Nokia màn hình màu là đã có được niềm hãnh diện vô cùng lớn lao, được mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Ngày hôm nay, những ai không sử dụng điện thoại di động được xem là “kỳ dị”, “hai lúa công nghệ - low tech” trong mắt nhiều người xung quanh. Ngay cả những chú chạy xe ôm, cô bán trái cây gánh, hay chị bán vé số cũng đều trang bị cho mình một chiếc điện thoại, lấy ra “quẹt quẹt” khi buồn, hay lâu lâu lại gọi điện thoại video để nhìn người nhà cho đỡ nhớ.
Chỉ chưa đầy 20 năm mà tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập đều dần có chung một thứ mình phải lệ thuộc, đó chính là chiếc điện thoại kết nối Internet, thành quả lớn lao mà kỹ thuật, công nghệ đã mang đến cho nhân loại. Ngày nay, người ta có thể bỏ bữa ăn nhưng không thể nào rời xa chiếc điện thoại di động, không thể tách mình ra khỏi cộng đồng đang được gắn kết bởi sóng di động, sóng vệ tinh, mạng Internet. Một ngày của con người hiện đại hôm nay có thể chỉ xoay quanh chiếc điện thoại di động có kết nối Internet. Bạn đến công ty, gọi Grab; bạn xem tin tức, vào các trang mạng; bạn muốn ăn hay uống, có thể đặt món giao đến tận tay bằng các ứng dụng giao thức ăn nhanh; bạn muốn chuyển tiền cho người thân, sử dụng dịch vụ ngân hàng di động; bạn muốn mua quà cho người yêu dịp Lễ Tình nhân sắp đến, hàng ngàn trang bán hàng từ thủ công đến công nghiệp sẵn sàng giao đến tận tay; bạn phải đi chợ để tối nay nấu ăn, cũng dễ dàng thực hiện qua điện thoại; bạn muốn hẹn nhóm bạn họp mặt dịp cuối tuần, chỉ cần vào nhóm chat trên điện thoại. Cuối ngày, bạn muốn xem một bộ phim hay nghe nhạc thư giãn, chiếc điện thoại hay máy tính được kết nối với mạng Internet sẵn sàng làm bạn thỏa mãn. Chỉ khi đi ngủ thì bạn mới tạm rời khỏi chiếc điện thoại của mình.
Ý thức rõ việc mình càng ngày càng bị lệ thuộc vào Internet và công nghệ, tôi luôn tự nhắc mình giữ khoảng cách cần thiết với những công nghệ mới. Nhưng tôi chưa cảm nhận được mức độ của sự lệ thuộc này cho đến một ngày nọ, nhà mạng tôi đang sử dụng bị mất kết nối 3G trong ba giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy mình như bị cô lập vì không vào được Facebook, đọc tin tức qua điện thoại, kết nối với thế giới ảo để biết những điều đang diễn ra trong thế giới thực.
Đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sự tiện lợi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho con người không chỉ dừng lại ở đó. Gần đây, người ta nói rất nhiều về Internet vạn vật (Internet of things – IoT), về máy học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (AI). Nghe rất mơ hồ nhưng công dụng của nó thực sự sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Trưởng dự án nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học của Mastercard từng nói hãy cứ tưởng tượng bạn muốn mua một bộ đồ mà đang băn khoăn chưa biết chọn gì, Mastercard có thể tư vấn một số mẫu từ thiết kế đến kích cỡ hoàn toàn phù hợp với gu của bạn. Địa chỉ cửa hàng gần bạn nhất cũng được đề xuất và nếu có thể bạn hoàn toàn có thể mua trên mạng và ngay hôm sau có thể nhận được hàng. Đó là sức mạnh của những công nghệ tiên tiến mà các tổ chức tài chính như Mastercard đang nghiên cứu và ứng dụng với mục tiêu thỏa mãn tường tận tất cả nhu cầu của từng khách hàng. Những công nghệ tiên tiến này cũng vô cùng có ích cho các tổ chức tài chính. Chỉ cần một khách hàng bước vào ngân hàng, người nhân viên đã có thể biết được về lịch sử giao dịch, tình trạng tài chính và tư vấn một sản phẩm phù hợp nhất cho khách hàng. Trong tương lai, không chỉ Mastercard mà tất cả các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đều sẽ bán hàng bằng cách tương tự.
Mỗi hành vi của một người như chi tiêu nhiều cho mặt hàng nào, thường ăn uống ở đâu, xem thể loại phim gì, mặc áo quần màu gì, kể cả cách cầm và lướt màn hình điện thoại sẽ không có ý nghĩa khi đứng riêng lẻ nhưng khi được tập hợp và hệ thống hóa, chúng sẽ là những dữ liệu để định dạng một cá nhân cụ thể. Khi đã định dạng được cụ thể từng người thì việc cung cấp sản phẩm phù hợp với người đó sẽ trở nên thật dễ dàng.
Bạn sẽ chẳng phải tốn công suy nghĩ đi đâu mua một chiếc đầm cho sự kiện diễn ra ngày mai, hay hôm nay ăn món gì… Mọi thứ sẽ tự hiển thị cho bạn nhờ vào những thành tựu công nghệ mới nhất. Còn nhớ nhân vật chính trong Minority Report khi bước vào cửa hàng quần áo, thì một nhân viên bán hàng ảo hiện ra gọi đúng tên anh, chào mừng anh quay trở lại và giới thiệu ngay món hàng mới phù hợp với anh. Đó chính là những tiện ích trong tương lai không xa mà con người được thụ hưởng.
Thế nhưng điều này lại khiến tôi có những băn khoăn khác. Khi công nghệ tổng hợp thông tin để đưa ra một xu hướng về thời trang mà nhiều người yêu thích thì tất cả các hãng thời trang sẽ chạy theo xu hướng đó, vì biết như vậy là đúng thị hiếu và sẽ bán được nhiều hàng. Kết quả, tất cả mọi người sẽ mặc tương tự nhau. Đến lúc đó, liệu những nhà thiết kế thời trang có còn động cơ để sáng tạo? Vì sáng tạo thường không đến từ những thứ chúng ta gặp hằng ngày. Liệu nó có giết chết sự sáng tạo? Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và máy học cũng không thể trả lời câu hỏi này.
Tôi lại nhớ đến một bộ phim khoa học giả tưởng khác, đó là Surrogates, nơi mỗi người không chỉ có hình đại diện trên mạng xã hội mà còn mua được một người đại diện cho mình trong cuộc sống. Người đại diện có hình thể, dáng vóc chính xác như những gì mỗi người mong ước mình sở hữu. Người trong phim quan niệm rằng chỉ cần bước ra khỏi nhà thì sẽ phải đối mặt với rủi ro về an toàn tính mạng của mình. Do vậy, hầu hết mỗi người trong phim đều mua cho mình một người đại diện để thay mình sinh hoạt trong thế giới thực, từ đi làm cho đến giao tiếp với mọi người xung quanh. Con người thật chỉ nằm ở nhà, điều khiển người đại diện, nhưng sẽ có những trải nghiệm thật như chính mình đang sống trong hình hài người đại diện.
Liệu 20-30 năm nữa con người chúng ta có tiến đến bảo vệ mình ở mức độ như những người trong phim Surrogates không? Có thể có hoặc có thể ở một dạng thức khác chúng ta chưa thể hình dung.
Cuộc sống của chúng ta đang ngày càng dựa vào công nghệ là điều không thể bàn cãi, và việc dứt mình ra khỏi sự lệ thuộc đó cũng trở nên vô cùng khó khăn. Vấn đề của mỗi người là tự chọn cho mình một cách sống để vừa có thể là mình vừa có thể tận dụng một cách hiệu quả những tiện ích mà các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mang lại.
Thủy Triều